1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những đệ nhất phu nhân phi thường (2)

Jackie Kennedy, luồng gió mới ở Nhà Trắng

Năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã mang vào Nhà trắng một luồng gió mới hoàn toàn, một bà vợ trẻ đẹp nhất từ trước đến nay: Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy chỉ mới 32 tuổi.

Từ khi John F. Kennedy đắc cử tổng thống năm 1960 đến khi ông bị ám sát 1963, và suốt phần còn lại của cuộc đời, Jacqueline Lee Bouvier Kennedy (tên thật của bà) là biểu trưng cho vẻ thanh lịch, xinh đẹp, quyến rũ và luôn hợp thời trang.

 

Bà sinh năm 1929, mang trong mình dòng máu pha trộn Irish, Scottish, Anh và Pháp. Cha mẹ bà ly dị khi bà còn rất trẻ, từ đó cha bà sống độc thân tuy mẹ bà bước đi bước nữa.

 

Đa tài

 

Lúc còn nhỏ, Jackie cưỡi ngựa rất thuần thục và từng đoạt một số giải thưởng nhờ tài kỵ mã. Bà thích đọc sách, vẽ tranh, làm thơ. Khi học Đại học Vassar, New York, bà được nhận danh hiệu “Cô gái thượng lưu niên khóa 1947-1948”. Bà cũng sang Pháp học Đại học Sorbonne, Paris, sau đó trở về Mỹ học tại Đại học George Washington và tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp tại đây. Bà thông thạo các thứ tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Ý.

 

Năm 1951, bà bắt đầu làm việc cho báo The Washington Times-Herald, chuyên đặt những câu hỏi thông minh với các nhân vật quan trọng tại Washington D.C, tiếp đó là chụp ảnh, phỏng vấn họ. Chính do công việc, bà quen biết với thượng nghị sĩ John F. Kennedy, khi ấy đang là “người đàn ông độc thân được ưa thích nhất” tại thủ đô nước Mỹ.

 

Mối tình lãng mạn của họ tiến triển chậm và mang tính riêng tư, nhưng đám cưới của họ tại Newport năm 1953 thu hút dư luận cả nước. Họ có bốn người con: con gái Arabella Kennedy (chết do sẩy thai, 1956), con gái Caroline Bouvier Kennedy (1957), con trai John Fitzgerald Kennedy Jr. (1960-1999) và con trai Patrick Bouvier Kennedy (chết khi sinh, tháng 8/1963).

 

John F. Kennedy thắng sát nút Richard Nixon trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, trở thành tổng thống thứ 35 của Mỹ năm 1961. Với vai trò đệ nhất phu nhân, Jackie Kennedy mang một luồng gió mới vào Nhà Trắng nhờ vẻ trẻ trung, xinh đẹp, lịch lãm, thông minh và năng khiếu nghệ thuật. Bà dành nhiều thời gian nghiên cứu và biến Nhà Trắng thành một bảo tàng lịch sử Mỹ và trang trí nghệ thuật cũng như một nơi cư ngụ cho gia đình lịch sự và duyên dáng.

 

Bà biến những căn phòng ở của gia đình tại Nhà Trắng vốn đầy ắp đồ đạc đắt tiền nhưng lạc lõng và khá lộn xộn thành một nơi cư trú ấm cúng, hấp dẫn và tiện nghi bằng cách thêm vào một nhà bếp gia đình và phòng dành riêng cho con cái. Ngân sách thiếu tiền, bà gây quỹ ở hải ngoại.

Bà cho rằng nhiệm vụ chính của bà là “chăm sóc sức khỏe cho tổng thống” bởi bà quan niệm rằng “nếu bạn chăm sóc chồng và con cái cẩu thả, tôi nghĩ bạn sẽ chẳng làm nên trò trống gì”.

 

Một phần do mang dòng máu Pháp, một phần do từng du học tại Pháp, Jackie chịu ảnh hưởng khá nhiều phong cách Pháp. Điều này thể hiện rõ trong các thực đơn bà thường chọn cho những bữa tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng, hoặc gu thời trang của bà. Trong những ngày làm đệ nhất phu nhân, bà được coi là thần tượng thời trang không chỉ tại nước Mỹ, mà còn mang tầm cỡ quốc tế.

 

Chính khả năng thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa của bà đã ghi dấu ấn một chương mới trong lịch sử Mỹ. Sự khéo léo và tinh tế của bà trong những buổi tiếp tân khiến khách đến Nhà Trắng cảm thấy họ là một phần của những buổi chiều tuyệt vời mỗi khi họ được mời dự tiệc quốc gia.

 

Thí dụ, bà đã bố trí bữa ăn tối tại Mt Vernon để chiêu đãi Tổng thống Ayub Kahn, người mà Tổng thống Kennedy muốn tôn vinh do vai trò của ông đã giúp nước Mỹ trong khủng hoảng mới đây; bà đã thay chiếc bàn ăn hình chữ U tại phòng ăn quốc gia bằng chiếc bàn tròn với tám ghế. Sự duyên dáng của bà trở thành huyền thoại như khi bà cùng chồng tiếp đón Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Kruschev tại Vienna. Khi cùng chồng qua thăm Pháp, bà gây ấn tượng mạnh với Tổng thống Charles De Gaulle và công chúng Pháp qua việc sử dụng thành thạo tiếng Pháp và gu Pháp của mình.

 

Ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy bị bắn chết tại Dallas lúc đang ngồi trên xe hơi cùng với bà tại băng sau. Bà dẫn đầu cả nước than khóc chồng tại Điện Capitol, trong lễ quốc tang tại Thánh đường St. Matthew. Cũng chính bà đã thắp ngọn lửa vĩnh cửu tại nấm mộ chồng ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

 

Sự can đảm của bà trong vụ ám sát ông J. F. Kennedy và trong lễ tang khiến cả thế giới cảm phục, và nhiều người Mỹ nhớ mãi hình ảnh bà trong suốt bốn ngày tang lễ tháng 11/1963 ấy. Bà rời Nhà Trắng một tháng sau cái chết của chồng, mua một căn hộ trên Đại lộ 5 tại New York, cùng các con dọn đến ở với hy vọng có cuộc sống riêng tư. Trong một năm, bà không xuất hiện trước công chúng. Cô con gái Caroline kể với thầy giáo rằng mẹ cô đã khóc suốt...

 

Tái hôn và lại bất hạnh

 

Jackie kết hôn với Aristotle Onassis, nhà tỉ phú tàu thủy người Hy Lạp, vào ngày 20/10/1968. Hơn bốn tháng trước, em chồng bà, ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy, bị ám sát tại Los Angeles. Jackie tin rằng gia đình Kennedy là “mục tiêu” của những âm mưu chính trị. Bà quyết định mang các con ra nước ngoài sinh sống. Onassis có tiền và thế lực có thể bảo vệ bà. Ông ta chấm dứt cuộc tình với ngôi sao opera Maria Callas để cưới bà.

 

Trong một thời gian khá dài, việc bà tái hôn với một người đàn ông giàu có và già nua khiến công luận Mỹ quay lưng lại với bà. Hình ảnh người quả phụ u buồn của vị tổng thống quá cố ngày nào cũng nhạt nhòa trong lòng những người từng hâm mộ bà. Tuy nhiên, dần dần người ta nhận ra rằng việc bà lấy chồng khác là một biểu tượng tích cực của “người phụ nữ Mỹ hiện đại” không ngần ngại tự lo về tài chính và bảo vệ con cái, gia đình. Và công luận trở lại đồng tình với chuyện bà “bước đi bước nữa”.

 

Cuộc hôn nhân thoạt đầu có vẻ tốt đẹp, nhưng Jackie nhanh chóng rơi vào tình trạng bị stress liên tục. Bà dành hầu hết thời gian đi du lịch và mua sắm. Chuyện mua sắm của bà đã được bàn tán xôn xao một thời gian: Mỗi khi vào các cửa hiệu danh tiếng, bà thích thứ nào cứ chỉ vô thứ đó, nhân viên bán hàng ghi nhận gởi đến nhà bà, nhưng rồi bà chẳng biết sử dụng chúng để làm gì! Bà lại góa chồng một lần nữa khi Onassis qua đời ngày 15/3/1975. Jackie chỉ thừa hưởng 26 triệu USD và không được chia bất cứ bất động sản nào của Onassis.

 

Tháng 1/1994, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nhưng không công bố. Qua tháng 4, biết mình không qua khỏi, bà rời Bệnh viện Cornell trở về nhà. Ngày 19/5, bà qua đời ở tuổi 64 khi đang nằm ngủ. Bà được an táng bên cạnh người chồng cũ tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

 

Phần I

 

Theo Quang Hùng

Người lao động