1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Italia: Cấm cho chim bồ câu ăn ở Venice

(Dân trí) - Từ ngày 1/5, hình ảnh từng bầy chim bồ câu háu đói quây quanh những vị khách du lịch đợi cho ăn sẽ không còn trên Quảng trường St. Mark, vì chính quyền thành phố Venice (Italia) đã ban hành sắc lệnh cấm cho chim ăn ở đây.

Những người đầu tiên phản đối sắc lệnh này là 19 người bán hàng rong đã được cấp phép bán thức ăn cho chim trên quảng trường. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 1/5 sẽ khiến họ thất nghiệp.

 

Khi các quan chức chính quyền thành phố Venice lần đầu tiên bỏ phiếu để thông qua quy định cấm cho chim bồ câu ăn cách đây 11 năm, khu vực Quảng trường St. Mark đã được miễn trừ, vì hình ảnh khách du lịch cho chim bồ câu ăn đã trở thành một biểu tượng của nơi này. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, cuối cùng lệnh cấm cũng áp dụng cho cả quảng trường này, vì đây là cách hiệu quả nhất để giảm số lượng chim.

 

“Đó là một truyền thống,” một người bán rong thức ăn cho chim nói. Họ lo sợ sắc lệnh mới của thành phố sẽ đặt dấu chấm hết cho một truyền thống đã có từ một thế kỷ nay. Họ nói rằng lũ trẻ con sẽ quấy khóc nếu không được phép cho chim ăn. Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy có vẻ như trẻ nhỏ cũng không mấy quan tâm đến việc có được cho chim ăn hay không, vì chúng đã được bố mẹ dỗ yên bằng bim bim và bánh mỳ. Trong khi đó, lũ chim bồ câu cũng chẳng bận tâm lắm đến sự thay đổi.

 

Kể từ khi sắc lệnh của thành phố chính thức có hiệu lực, ngày 1/5, cảnh sát địa phương chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở những khách du lịch vẫn cho chim bồ câu ăn, chứ chưa áp dụng biện pháp phạt.

 

Giống nhiều thành phố lớn có nhiều chim bồ câu khác, như New York và London, chính quyền thành phố Venice của Italia từ lâu đã lưu tâm đến những mối nguy mà chim bồ câu có thể gây ra cho sức khoẻ con người, chưa kể những thiệt hại mà phân chim gây ra. Những nỗ lực trước đây trong việc cắt giảm số lượng chim, như giăng lưới hay dùng thiết bị điện để phát hiện chỗ chim đậu, đều không mấy thành công.

 

Điều khiến tình hình gần đây trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở Venice chính là số lượng khách du lịch tăng dần lên, ước tính khoảng 20 triệu lượt/năm, khiến lượng tiêu thụ thức ăn nuôi chim và lượng rác thải cũng tăng theo. Điều đó cũng có nghĩa là số chim bồ câu ở đây tăng lên và gây thiệt hại đáng kể cho các công trình lịch sử trên quảng trường.

 

Ông Sergio Lafisca, chuyên gia y tế của thành phố Venice, ước tính hiện có khoảng 130.000 con chim bồ câu đang cư trú tại khu vực Quảng trường St. Mark ở Venice, gấp khoảng 40 lần con số mà các nghiên cứu quốc tế đã đưa ra về mật độ lý tưởng cho mỗi km vuông. “Bản thân những con chim rất dễ thương, nhưng chúng cũng ẩn chứa mối nguy,” ông Lafisca nói.

 

Kết quả kiểm tra trên các con chim cho thấy mỗi con mang ít nhất là một mầm bệnh, nên các chuyên gia y tế có cơ sở để lo ngại.

 

Các đài kỷ niệm trên quảng trường là nơi phải “gánh” hậu quả từ lũ chim, với số lượng ngày một tăng. Chim bồ câu thường không ngủ ở nơi chúng ăn, nhưng việc chúng được cho ăn 24/7 ở Quảng trường St. Mark nghiễm nhiên biến đây thành nơi trú ngụ quanh năm cho chúng. Lũ chim tìm chỗ làm tổ ở đây, và kết quả là bề mặt của những bức tượng đầy các vết xước do móng chim cào vào khi đi tìm chỗ bám để ngủ.

 

Và chim bồ câu, cũng như gà, tìm thức ăn chứa canxi cácbonat để hình thành vỏ trứng. Chúng mổ đá cẩm thạch và tường vữa. Những bức tượng và tường nhà thường xuyên lỗ chỗ vết mổ của chim. Việc này tiêu tốn 16-23 euro/năm (cho mỗi con chim bồ câu) để trám lại những chỗ bị chim mổ, và đây là tiền thuế của người dân.

 

Tất cả những điều trên khiến chính quyền thành phố Venice đi đến quyết định cấm cho chim bồ câu ăn để giảm số lượng chim. Giới chức thành phố đang thuyết phục những người bán hàng rong chuyển sang nghề khác, với sự giới thiệu và giúp đỡ của chính quyền, hoặc đồng ý nhận tiền bồi thường.

 

Về phần mình, những người bán rong muốn chính quyền thành phố Venice rút lại sắc lệnh trên. Họ đang đi vận động khách du lịch ký vào đơn đề nghị. Họ cho biết hiện đã thu thập được hàng trăm chữ ký. Tuy nhiên, đáng chú ý là ít người dân Venice ký vào bản kiến nghị, hầu như chỉ có khách thập phương. Trên thực tế, người dân địa phương thường coi chim bồ câu như “những con chuột có cánh”.

 

Nhật Linh

Theo IHT