1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

ISW: Nga sẽ phải thay đổi chiến thuật ở Ukraine vì cạn nguồn lực

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổ chức Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ dự đoán Nga sẽ phải thay đổi chiến thuật tại chiến trường ở Ukraine do nguồn lực có hạn.

ISW: Nga sẽ phải thay đổi chiến thuật ở Ukraine vì cạn nguồn lực - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: TASS).

Các vấn đề kinh tế và thiếu hụt nguồn nhân lực có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đưa ra những quyết định quan trọng về cách duy trì cuộc chiến với Ukraine, ISW nhận định.

Theo tổ chức trên, chi phí để Nga duy trì cuộc chiến sẽ tăng lên khi Moscow dồn nhân lực và vật lực ra tiền tuyến.

"Nguồn lực của Nga có hạn và ông Putin không thể phớt lờ những khoản chi phí này một cách vô thời hạn. Nền kinh tế Nga sẽ đạt đến điểm báo động và có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho xã hội Nga. Điều này có thể buộc ông Putin phải đưa ra những quyết định quan trọng về cách cung cấp nguồn lực cho cuộc chiến của Nga hoặc thay đổi cách thức tiến hành chiến dịch quân sự", ISW nhận định.

Theo giới quan sát phương Tây, nền kinh tế và cỗ máy chiến sự của Nga đang chịu sức ép ngày càng lớn, đặt ra những thách thức ngày càng nghiêm trọng với ông Putin trong nỗ lực duy trì cuộc chiến.

Hôm 27/10, báo Mỹ Washington Post cho biết nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với nguy cơ, vì chi tiêu quân sự quá cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cách buộc các công ty phải tăng lương để duy trì khả năng cạnh tranh với mức lương cao trong ngành sản xuất quân sự.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã cảnh báo vào tháng 7/2024 rằng lực lượng lao động và năng lực sản xuất của đất nước đang đối mặt với nguy cơ.

Theo Washington Post, các công ty tư nhân của Nga đang phải cạnh tranh với mức lương của quân nhân và ngày càng bị buộc phải trả lương cao hơn nhiều lần so với mức trung bình của ngành.

Nga chưa bình luận về thông tin trên. Đây không phải là lần đầu giới chức phương Tây nói về nguy cơ Nga bị cạn nguồn lực chiến đấu. Tuy nhiên, Nga vẫn đang duy trì năng lực sản xuất quân sự áp đảo Ukraine trong hơn 2 năm qua bất chấp Kiev được các nước NATO hậu thuẫn.

Tuần trước, Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh tối cao quân đồng minh châu Âu của NATO, nhận định Nga dù chịu tổn thất lớn ở Ukraine nhưng vẫn sở hữu "lực lượng chiến đấu nguy hiểm" hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến hơn 2 năm qua.

"Mặc dù Nga đã có những tổn thất đáng kể trên bộ, nhưng Moscow vẫn sở hữu năng lực đáng kể, bao gồm vũ khí thông thường và hạt nhân. Điều này chúng ta cần phải ghi nhớ", ông Cavoli nhận định.

Hồi đầu tháng, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết Washington rất quan ngại về sự "tái thiết" nhanh chóng của quân đội Nga và thừa nhận thêm rằng đây "là chủ đề thực sự gây lo lắng" cho phương Tây.

Bất chấp đối mặt với hàng chục nghìn lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga tuyên bố họ vẫn sở hữu năng lực sản xuất quân sự đáng gờm. 

Vào tháng 5, người đứng đầu tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga Sergey Chemezov cho biết Moscow đang sản xuất hoặc tân trang số xe tăng nhiều hơn 350% so với năm 2022.

Giám đốc Rostec cho biết: "So với năm 2022, việc sản xuất và tân trang xe tăng tại các nhà máy của chúng tôi đã tăng gấp 3,5 lần và xe bọc thép hạng nhẹ tăng gấp 3 lần. Sản lượng pháo tự hành đã tăng gấp 10 lần, trong khi số lượng pháo kéo được sản xuất gấp 14 lần và sản lượng hệ thống hỏa lực phóng loạt (MLRS) đã tăng gấp đôi".

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine