1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

IS vẫn là "cơn ác mộng" của thế giới năm 2015

(Dân trí) - Năm 2014, tổ chức cực đoan IS thực sự trở thành nỗi ám ảnh và cơn ác mộng đối với thế giới. Trong năm 2015, cơn ác mộng đó vẫn sẽ tiếp diễn, trừ phi liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu có những thay đổi căn bản trong chiến lược đối phó với tổ chức này.

IS tiếp tục là “cơn đau đầu” của thế giới trong năm nay (Ảnh:

IS tiếp tục là “cơn đau đầu” của thế giới trong năm nay (Ảnh: AFP).

 Cơn ác mộng đó bắt đầu nổi lên từ tháng 4/2014 khi tổ chức “Nhà nước Hồi giáo và vùng Levant” (ISIL) - tiền thân của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hiện nay - đột ngột đẩy mạnh các đợt tấn công chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria.

Mặc dù là “con đẻ” của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, song với phương thức hoạt động tàn bạo, có chiến lược bài bản, tiềm lực tài chính hùng mạnh, nhiều trang thiết bị chiến đấu hiện đại và một đội quân thiện chiến, IS đã nhanh chóng chiếm được nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Đông, thách thức trật tự địa chính trị ở “chảo lửa” thế giới và reo rắc nỗi sợ hãi trên toàn cầu.

Theo các nguồn tin chưa chính thức, hiện lực lượng này đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria, cùng nhiều vùng đất ở Yemen, Ma-rốc, Tunisia, Algeria và bán đảo Sinai của Ai Cập. Tổng dân số ở những vùng đất này lên tới 12 triệu người. Nhiều nơi còn có những mỏ khí, giếng dầu trữ lượng lớn giúp đảm bảo cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho IS trong tương lai.

Về quân số của IS, hầu hết các con số đều dự đoán tổ chức này có khoảng 50.000 - 200.000 tay súng, cao gấp nhiều lần con số 10.000 - 30.000 được đưa ra lúc đầu. Đáng chú ý, trong hàng ngũ của IS đang có sự góp mặt của khoảng 20.000 tay súng nước ngoài đến từ khắp các châu lục, kể cả từ Mỹ và châu Âu. Đây được coi là những “quả bom nổ chậm” của IS khi cần thực hiện những vụ đánh bom khủng bố ở bên trong lãnh thổ các nước vào bất cứ thời điểm nào.   

Không chỉ đẩy mạnh tấn công đánh chiếm những vùng lãnh thổ ở Trung Đông, các tay súng IS còn tiến hành các vụ “bắt vợ” và “bắt lính trẻ em” tại những nơi chúng đi qua, đồng thời sẵn sàng thảm sát những người chống đối. Bộ tộc Hithouli ở phía Bắc Iraq từng bị mất hơn 900 thành viên chỉ vì tìm cách ngăn cản IS chiếm giữ các giếng dầu. Hàng nghìn người khác, gồm cả dân thường và các con tin người nước ngoài, cũng đã bị “những kẻ máu lạnh” IS ngang nhiên hành quyết để “dằn mặt” các chính phủ và những người chống lại lực lượng này.

Ngoài ra, các tay súng IS còn tăng cường gia nhập những tổ chức thánh chiến cực đoan khác và tham gia tích cực vào các hoạt động của al-Qaeda để “phát động ngọn lửa tấn công thánh chiến ra toàn cầu”. Tham vọng lớn nhất của IS là thành lập Vương quốc Hồi giáo (caliphate) để lãnh đạo toàn bộ thế giới Hồi giáo trong tương lai bằng luật Sharia hà khắc.

Một thực tế rất đáng quan ngại là dù có phương thức hoạt động vô cùng tàn bạo và tư tưởng đặc biệt cực đoan nhưng IS đang ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tổ chức và cá nhân cực đoan trên thế giới.

Hầu hết các tổ chức thánh chiến lớn ở Trung Đông, châu Phi, Nam Á, Viễn Đông tới những cá nhân theo quan điểm cực đoan ở Mỹ và châu Âu đều đã “đánh tiếng” ủng hộ lực lượng này. Mạng lưới al-Qaeda sau một thời gian xa lánh “đứa con hư”, nay cũng đã phát tín hiệu ủng hộ IS. Chính sự ủng hộ rộng khắp này đang tạo ra mối đe dọa thường trực cho các chính phủ ở khắp các châu lục.

Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của IS đã thực sự trở thành cơn ác mộng đối với toàn thế giới. Mỹ - với vai trò cường quốc số một thế giới và là nước dẫn đầu trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu - tất nhiên cũng không thể làm ngơ. Sự nổi lên một cách tàn bạo của IS đã buộc Tổng thống Barack Obama phải giở lại trang sử Trung Đông sau hơn 3 năm khép lại cuộc chiến tại Iraq.

Mặc dù Mỹ đã quy tụ được khoảng 60 nước cùng tập hợp dưới ngọn cờ liên minh quốc tế chống IS, song những sai lầm chiến lược khiến các chiến dịch do Mỹ cầm trịch không thực sự phát huy hiệu quả. Việc liên minh tiến hành các cuộc không kích chỉ giúp tiêu diệt được một số mục tiêu của IS và đẩy lui một phần các mũi tiến công của lực lượng này. Trái lại, nó càng khiến các tay súng IS trở nên cực đoan hơn, tàn bạo hơn và rút vào hoạt động bí mật trong các cộng đồng dân cư nhằm hạn chế tổn thất.

Bước sang năm 2015, IS vẫn được xác định là mối đe dọa lớn đối với an ninh Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung. Để ngăn chặn lực lượng này, chính quyền Tổng thống Obama đã cam kết phát huy mọi nguồn lực cần thiết hòng “nhổ cỏ tận rễ”.

Một trong những bước đi đầu tiên là Washington đang xem xét điều chỉnh chính sách với Syria và xác định mối quan hệ nghiêm chỉnh với Iran để tăng cường khả năng phối hợp chống IS. Trước đây, chính quyền Mỹ kiên quyết loại bỏ “hai ứng cử viên nặng ký” này do không muốn bị mất mặt với các chính phủ Arập đồng minh ở Trung Đông và lo ngại sẽ vô hình chung làm tăng thêm sức mạnh cũng như vai trò ảnh hưởng của hai thành viên nòng cốt Shi’ite trong khu vực. Tuy nhiên, khi chiến lược hiện nay không mang lại hiệu quả, một số nước trong liên minh có ý ngãng ra, đồng minh lâu đời Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện rõ thái độ không muốn “chia lửa”... thì việc tìm kiếm sự giúp đỡ ở Iran và Syria là điều khó tránh khỏi.

Ngoài việc tìm đến chính phủ Iran và Syria, chính quyền Mỹ cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ quân đội Iraq, lực lượng người Kurd và phe đối lập ôn hòa ở Syria  để có thêm sự hỗ trợ trên mặt đất. Trong ngân sách quốc phòng năm 2015, Lầu Năm Góc dự chi hàng chục tỷ USD cho công tác huấn luyện các lực lượng này. Hơn 5.000 binh sĩ Mỹ đã được đưa đến thực địa làm nhiệm vụ đào tạo trực tiếp. Tuy nhiên, với tiềm lực non kém của các lực lượng trên, kế hoạch huấn luyện của Mỹ xem ra còn lâu mới phát huy tác dụng, báo hiệu cuộc chiến chống IS có thể sẽ phải kéo dài nhiều năm.    

Bên cạnh đó, do thực tế chiến trường ở Trung Đông đang bất lợi cho Mỹ và Iraq nên rất có thể Mỹ sẽ tăng thêm quân số trong năm 2015. Kế hoạch đưa bộ binh quay trở lại Iraq tham chiến cũng đang là một lựa chọn bỏ ngỏ đối với các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc và Nhà Trắng nếu như các tay súng IS có thêm những bước tiến mới đe dọa các lợi ích của Mỹ. Việc điều bộ binh này còn giúp Mỹ ngăn chặn được tình trạng “mất tiền cho chiến tranh ảo” khi hiện có một cơ số không nhỏ binh sĩ Iraq vẫn đang nhận đủ lương và quân trang nhưng trên thực tế không ra chiến trường tham chiến.

Tất nhiên, Mỹ sẽ không thực hiện chiến lược trên một cách đơn độc. Các nước thành viên trong liên minh quốc tế chống IS và những đồng minh chủ chốt của Mỹ sẽ được huy động để tạo thành sức mạnh tổng lực.

Mặc dù vậy, theo giới quan sát, mô hình chiến mới sẽ không thể thành công chừng nào Mỹ và các nước châu Âu chưa từ bỏ quan điểm cho rằng mọi vấn đề ở Trung Đông đều có thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự. IS vẫn sẽ là tổ chức thánh chiến hàng đầu thế giới, xét cả về chiến lược, quy mô và tổ chức hoạt động. Lực lượng này không chỉ làm đảo lộn bản đồ địa chính trị Trung Đông mà còn khơi lại nỗi ám ảnh của thế giới về “khối ung thư mang tên khủng bố” với những biểu hiện di căn phát tán mạnh ra toàn cầu.

Sự nổi lên của IS một lần nữa cho thấy thế giới còn lâu mới “miễn nhiễm” trước các vụ tấn công khủng bố, và chủ nghĩa khủng bố sẽ còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng chừng nào liên minh quốc tế không thực sự “đồng tâm hiệp lực”, không đánh giá đúng vai trò của Iran và Syria trong việc chặn đứng IS và chấm dứt chính sách lợi dụng mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc để mưu cầu lợi ích riêng.

Đức Vũ 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm