1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran trở lại bàn đàm phán hạt nhân

(Dân trí) - Hôm nay (15/10), đại diện của các cường quốc thế giới và Iran đã có mặt tại Geneva, Thụy Sỹ để nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân. Đây là vòng đàm phán đầu tiên giữa các bên sau 6 tháng gián đoạn.

Bộ trưởng ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif (phải) tại phiên đàm phán
Bộ trưởng ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif (phải) tại phiên đàm phán

Cuộc gặp diễn ra giữa Iran và nhóm P5+1, gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cộng thêm Đức. Đàm phán được nối lại sau 6 tháng gián đoạn do Tehran từ chối cắt giảm hoạt động làm giàu uranium để đối lại việc được nới lỏng các lệnh cấm vận.

Đây cũng là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên của các cường quốc thế giới với Iran kể từ sau khi ông Hassan Rouhani đắc cử Tổng thống tại nước này hồi tháng 8.

Các cuộc đàm phán kín dự kiến kéo dài 2 ngày và đã bắt đầu vào lúc 7 giờ 30 giờ GMT tại văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ.

Các cuộc gặp sẽ được thực hiện giữa thứ trưởng ngoại giao Iran Abbas Araqchi và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton, cùng đại diện của nhóm P5+1.

Hy vọng vào những tiến triển tại Geneva đã tăng lên sau khi Iran cử đến một nhóm đàm phán mới sau những bế tắc cách đây 6 tháng. Nhóm đàm phán mới do Bộ trưởng ngoại giao Mohammad Javad Zarif dẫn đầu, người sẽ khai mạc cuộc họp trước khi chuyển các cuộc đàm phán cho cấp phó của mình.

Ông Zarif sẽ là Bộ trưởng ngoại giao duy nhất có mặt trong các cuộc đàm phán. Sự hiện diện của ông cho thấy tầm quan trọng mà Iran dành cho các cuộc đàm phán này.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 8, Tổng thống Hassan Rohani đã cam kết giải quyết tranh cãi về vấn đề hạt nhân trong vòng từ 6 - 12 tháng.

Tehran muốn phương Tây nới lỏng cấm vận kinh tế và cho biết sẵn sàng đàm phán nghiêm túc. Nhưng hiện vẫn chưa rõ điều đó có bao gồm việc cắt giảm hoạt động làm giàu uranium hay không.

Nhóm 6 cường quốc lo ngại rằng Iran có thể sử dụng kho uranium làm giàu của mình làm vũ khí hạt nhân, trong khi lãnh đạo Tehran nhấn mạnh rằng những nguyên liệu này chỉ để làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân.

Trước cuộc gặp, bà Catherine Ashton bày tỏ hy vọng một cách thận trọng: “Tôi hy vọng rằng những gì chúng ta sẽ có ở đây là hai ngày rất hữu ích, một cơ hội để nghiên cứu cả những đề xuất chúng tôi đặt lên bàn nghị sự và những ý tướng đến từ Iran”.

Các nhà đàm phán phương Tây từng yêu cầu Iran ngừng hoạt động sản xuất và cất trữ uranium được làm giàu ở mức 20% - một bước cần thiết trong quá trình đạt được năng lực hạt nhân cấp độ vũ khí.

Họ cũng yêu cầu Iran gửi một số mẫu nước này đang cất trữ ra nước ngoài và đóng cửa khu vực sản xuất Fordo gần Qom, nơi hầu hết hoạt động làm giàu cấp độ cao hơn được thực hiện.

Tuy nhiên, phát biểu hôm Chủ nhật, ông Abbas Araqchi khẳng định Iran sẽ không vận chuyển uranium ra khỏi nước mình. “Chúng ta sẽ không cho phép dù chỉ 1g uranium rời đất nước”, ông tuyên bố trên website của kênh truyền hình nhà nước Iran.

Thanh Tùng
Tổng hợp