1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran: Tân Tổng thống, tân chính sách

(Dân trí) - Bước vào Phủ Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức cả ở trong và ngoài nước. Trong số này, tìm kiếm hướng đi mới cho hồ sơ hạt nhân và đảo ngược quan hệ căng thẳng với phương Tây là hai cửa ải lớn nhất.

Iran: Tân Tổng thống, tân chính sách
Tân Tổng thống Rouhani được hy vọng sẽ là “chìa khóa” mở ra giải pháp cho các vấn đề gai góc ở đất nước nằm ven bờ Vịnh Péc-xích này.

Với thắng lợi vang dội ngay trong vòng đầu cuộc bầu cử Tổng thống Iran hôm 14/6, nhà cải cách nổi tiếng với tư tưởng ôn hòa Hassan Rouhani đã tạo ra sự ngạc nhiên và bất ngờ lớn khi thực hiện cú “lội ngược dòng” thành công trước các đối thủ để đặt dấu chấm hết cho 8 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo theo đường lối bảo thủ Mahmoud Amadinejad.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử Iran kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 lật đổ chế độ quân chủ và thành lập nền cộng hòa Hồi giáo hiện nay, các cử tri Iran đã bỏ phiếu cho một nhân vật ôn hòa và cải cách, thay vì một người theo đường lối bảo thủ và thuộc phái cứng rắn. Có lẽ người dân Iran muốn tìm kiếm một hình ảnh mới cho đất nước sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền liên tiếp của ông Amadinejad, người đã nhấn chìm đất nước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng do hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến thất nghiệp phi mã, lạm phát tăng 30% và đồng nội tệ rial mất giá tới 70%.

Thực tế cho thấy, người dân Iran đã không nhầm và cũng không phải chờ đợi quá lâu để được chứng kiến hình ảnh mới đó. Lần đầu tiên trong lịch sử Iran, một lễ nhậm chức Tổng thống đã có sự tham dự của đông đảo quan khách và các nhà lãnh đạo khu vực cũng như quốc tế. Ngoài 300 nghị sĩ có mặt theo diện đương nhiên, lễ tuyên thệ của ông Rouhani tại tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Tehran còn có sự chứng kiến của 11 tổng thống nước ngoài cùng đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc.

Một nhà lãnh đạo Iran có mối quan hệ khởi đầu tốt đẹp như vậy với nguyên thủ các nước trong và ngoài khu vực có thể tạo ra bước ngoặt gì trong hai vấn đề cốt lõi nhất của đất nước là hồ sơ hạt nhân và cải thiện quan hệ đang căng thẳng với phương Tây? Theo kết quả một cuộc điều tra nhanh, hầu hết người dân Iran đều tin và hy vọng rằng ông Rouhani sẽ mở ra cánh cửa mới cho đất nước, chí ít cũng khác với con đường mà người tiền nhiệm Mamoud Amadinejad đã đi trong suốt 8 năm qua.

“Người ta không thể chờ đợi ngay một sự thay đổi. Ông Rouhani không có đôi đũa thần nhưng ít ra ông cũng sẽ tô điểm lại hình ảnh của Iran, tìm ra giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân và rời xa bóng ma về một cuộc tấn công quân sự”, nhà phân tích Mohamed Abbas nói.

Là một nhà cải cách theo đường lối ôn hòa và ủng hộ mở cửa với thế giới, ông Rouhani sẽ có cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong hồ sơ hạt nhân đầy gai góc để -như ông nói là- vừa bảo vệ được chương trình có ý nghĩa sống còn đối với tương lai phát triển đất nước, vừa tạo ra sự tương tác tốt với phương Tây nhằm giảm dần các lệnh trừng phạt trước khi tiến tới hủy bỏ chúng.

Vậy nên ngay từ bây giờ, vị Tổng thống thứ 7 của Cộng hòa Hồi giáo Iran không còn nhiều thời gian để gặm nhấm thắng lợi của mình. Ông phải nỗ lực không ngừng nghỉ mới mong cải thiện được “bản tổng kết xám xịt” thừa hưởng từ người tiền nhiệm. Vực dậy một kinh tế đang suy sụp vì cấm vận, khôi phục vị thế đất nước khỏi bị cô lập và trừng phạt của phương Tây, tháo gỡ nút tắc trong các cuộc thương lượng hạt nhân và lấy lại tiếng nói cũng như ảnh hưởng trong các vấn đề khu vực đều là những trọng trách đè nặng lên vai ông Rouhani. 

Tất nhiên, trong nền Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Rouhani không thể “một tay dựng cả giang sơn” bởi mọi quyết định tối cao không nằm trong tay Tổng thống, mà thuộc về Đại giáo chủ Ali Khamenei. Vì thế, xây dựng mối quan hệ ổn thỏa với nhà Lãnh tụ tối cao này sẽ là bài học “lửa thử vàng” đầu tiên cho ông Rouhani.

Là nghị sĩ từ năm 1980 - 2000, từng đảm nhiệm cương vị trưởng đoàn đàm phán hạt nhân từ 2003 - 2005 dưới thời cựu Thủ tướng theo đường lối cải cách Khatami, đồng thời là thành viên Hội đồng Giáo sĩ, ông Rouhani có đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức cần thiết đối với một nhà lãnh đạo đất nước. Ông biết cần phải tiến lui như thế nào trong các mối quan hệ đan xen phức tạp hiện nay. Sự phản ứng linh hoạt đó không chỉ được áp dụng với bên ngoài (với Mỹ và phương Tây), mà còn với Đại giáo chủ Ali Khamenei và các thế lực chính trị đối lập khác trong các hoạt động chính trị nội bộ khi cần giải quyết các vấn đề nóng của đất nước.

Với Lãnh tụ tối cao Khamenei, việc xây dựng quan hệ phối hợp ăn ý trên nhiều mặt trận không phải là việc quá khó đối với tân Tổng thống Rouhani. Từ những bài học thực tế sau 8 năm cầm quyền cứng rắn của ông Amadinejad, người dân Iran đã hiểu quá rõ tình trạng thực tế của đất nước hiện nay. Họ cũng biết đã đến lúc phải xây dựng không khí hòa dịu ở trong và ngoài nước, nếu không muốn mọi việc bị đẩy đi quá xa. Vì thế, không có lý gì để một người cải cách ôn hòa như ông Rouhani lại mạo hiểm sinh mạng chính trị của bản thân và đất nước bằng cách gây căng thẳng với Đại giáo chủ Khamenei, nhân vật có quyền lực cao nhất và có tiếng nói quyết định trong tất cả các vấn đề trọng đại của Iran.

Khi đã có được mối quan hệ “vàng” đó,  việc mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ với Mỹ và phương Tây bằng “từ khóa” mang tên Rouhani sẽ không phải là mong ước ngoài tầm với, chí ít trong thời điểm hiện tại. Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng ông Rouhani sẽ sớm mở được cánh cửa đối thoại mới với Mỹ nói riêng và nhóm P5+1 nói chung, cho dù hồ sơ hạt nhân Iran chưa bao giờ mất đi tính gai góc vốn có của nó. Một thời kỳ hợp tác mới sẽ được mở ra để thay cho tình trạng đối đầu và trừng phạt triền miên bấy lâu nếu như phương Tây -đặc biệt là Mỹ- thực hiện đúng cam kết “sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Iran”, một chính phủ mà ông Rouhani nhấn mạnh “không muốn nói chuyện bằng trừng phạt mà bằng lời lẽ tôn trọng” và rằng “chưa bao giờ có ý định tuyên chiến với thế giới” nhưng cũng “không đầu hàng trước trừng phạt và không bị dọa dẫm bởi chiến tranh”. 

Trong phát biểu ngay sau khi được tin đắc cử, ông Rouhani từng cam kết: “Tôi sẽ bắt đầu thực hiện những thay đổi trong tất cả các lĩnh vực và thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với thế giới... Trước hết, chúng ta sẽ biến mối quan hệ thù địch với Mỹ thành mối quan hệ căng thẳng trong thời gian đầu. Sau đó chúng ta sẽ dần giảm bớt mức độ căng thẳng cho đến khi căng thẳng không còn nữa”. Còn trong tuyên bố mới nhất tại lễ tuyên thệ nhậm chức, ông khẳng định chính phủ của ông “sẽ đi theo đường lối ôn hòa, tạo sự tin tưởng lẫn nhau và tương tác mang tính xây dựng”.

Với những tuyên bố này, người dân Iran và nhiều chính phủ phương Tây đang tràn trề hy vọng vào một viễn cảnh sán lạn hơn ở quốc gia Hồi giáo này trong thời hậu Amadinejad nhờ có “tân quan, tân chính sách”.   

Đức Vũ