Iran soạn thảo dự luật phong tỏa eo biển Hormuz
(Dân trí) – Ủy ban Đối ngoại và An ninh quốc gia Iran đã soạn thảo dự luật ngăn không cho các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz, trong nỗ lực nhằm phản đối lệnh trừng phạt mới của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào ngành dầu mỏ nước này.
“Dự luật được Ủy ban Đối ngoại và An ninh quốc gia trực thuộc Quốc hội Iran soạn thảo, trong đó nhấn mạnh việc ngăn không cho các tàu chở dầu vận chuyển dầu thô qua eo biểu Hormuz tới những nước ủng hộ lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran”, hãng tin Quốc hội Iran dẫn lời nghị sĩ Ibrahim Agha-Mohammadi cho biết.
Cũng theo nghị sĩ Agha-Mohammadi, hiện đã có 100 trên tổng số 290 nghị sĩ trong Quốc hội đã ký vào dự luật này.
“Đây là câu trả lời cho các biện pháp trừng phạt dầu mỏ mà Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran bắt đầu từ tháng này", nghị sĩ Mohammadi cho biết thêm.
Tuy nhiên, hiện chưa biết các nhà lãnh đạo Iran có nhất trí thông qua dự luật này không, cũng như chưa biết có biện pháp nào có thể giúp Iran xác định chính xác điểm đến của từng tàu hàng đi qua eo biển chiến lược Hormuz.
Đó là chưa kể, các lực lượng hải quân Iran khó lòng có thể “tự tung, tự tác” trên vùng biển này khi mà “nhất cử, nhất động” tại đây đều không qua được hệ thống theo dõi cẩn mật cũng như mạng lưới dầy đặc các tàu hải quân của Mỹ và một số nước phương Tây.
Mới đây nhất, Mỹ đã cử 4 tàu rà mìn tới vùng Vịnh để tăng cường cho Hạm đội số 5 sau khi Tổng tư lệnh quân đội Iran cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhà nước Hồi giáo Iran đe dọa phong tỏa eo biển chiến lược để phản đối hành động gây sức ép của Mỹ và phương Tây.
Trước đó, EU đã quyết định áp đặt toàn bộ lệnh cấm đối với ngành dầu mỏ của Iran bắt đầu từ ngày 1/7, sau khi Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) không đạt được tiến triển tại cuộc đàm phán lần thứ 3 ở thủ đô Mátxcơva của Nga.
Eo biển Hormuz là tuyến hải vận huyết mạch, chuyên vận chuyển khí gas của Qatar và dầu xuất khẩu của Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Kuwait, Iran sang các nước châu Âu. Trong năm 2011, bình quân mỗi ngày có tới 17 triệu thùng dầu đi qua eo biển này, chiếm tới 40% tổng lượng dầu trung chuyển của thế giới.