Iran - Mỹ: Vạn sự khởi đầu nan
(Dân trí) - Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi cuộc chiến tại Iraq nổ ra vào tháng 3/2003, các đặc phái viên Mỹ và Iran đã lời qua tiếng lại và đổ cho nhau là thủ phạm đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq.
Phát biểu khi khai mạc Hội nghị Quốc tế về an ninh Iraq ngày 10/3, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã kêu gọi các bên tham gia hội nghị, gồm Iran, Syria, Jordan, Saudi Arabia, Turkey, Kuwait, Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Bahrain, Egypt, Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và Liên đoàn Arab, hãy giúp Iraq giảm bớt nỗi thống khổ của quốc gia này và ngăn không để bạo lực lan tràn ra khắp Trung Đông.
Bất đồng sâu sắc
Trước khi diễn ra hội nghị, các quan chức Mỹ cho biết hội nghị sẽ cho phép các bên nói ra quan điểm của mình một cách thẳng thắn và mở đường cho các cuộc thảo luận thực chất hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Iraq.
Tuy nhiên hội nghị đã bị đã bị bao phủ bởi khác biệt sâu sắc trong quan điểm của Mỹ và Iran về bản chất của cuộc khủng hoảng và phương thức để chấm dứt nó.
Phát biểu tại hội nghị, đặc phái viên Mỹ là David Satterfield đã chỉ vào chiếc cặp của mình và tuyên bố trong đó có chứa những tài liệu chứng minh Iran đang trang bị cho các du kích Hồi giáo dòng Shiite tại Iraq.
Ngay lập tức, đặc phái viên Iran, đồng thời là Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Abbas Araghchi đã hét lên rằng các cáo buộc của Satterfield chỉ để che đậy những thất bại của Mỹ tại Iraq.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tổ chức sau hội nghị, ông Araghchi đã nhắc lại yêu cầu của Iran đòi Mỹ định rõ thời điểm rút các lực lượng do nước này cầm đầu khỏi Iraq, điều theo ông đã biến Iraq thành một cục nam châm hút các phần tử cực đoan từ khắp thế giới Hồi giáo.
Ông Araghchi nói: "Vì nền hòa bình và sự ổn định của Iraq, chúng ta cần một thời gian biểu cho việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Iraq. Bạo lực tại Iraq không đem lại điều gì tốt đẹp cho các nước trong khu vực. An ninh của Iraq là an ninh của chúng tôi và sự ổn định của Iraq rất cần thiết cho nền hòa bình và ổn định tại khu vực".
Ông Reza Amiri, một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao Iran cũng đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ cho rằng Tehran đang gây ra bất ổn định tại Iraq thông qua việc trang bị cho các du kích Shiite. Quân đội Mỹ khẳng định rằng các vũ khí của Iran, bao gồm loại bom cài bên đường thế hệ mới, có sức công phá lớn, đã làm thiệt mạng trên 170 lính Mỹ và liên quân kể từ giữa năm 2004 đến nay. Ông Amiri nói: "Họ đã nói dối. Biên giới giữa Iraq và Iran là đoạn được đảm bảo an ninh nhất trên các khu vực biên giới của Iraq. Chính phủ Iraq thậm chí chưa bao giờ nói rằng Iran đang can thiệp vào công việc nội bộ của nước này".
Một sự khởi đầu tốt
Mặc dù Đại sứ Mỹ tại Iraq, ông Zalmay Khalilzad, cho biết trong thời gian diễn ra hội nghị, các quan chức nước này đã trao đổi trực tiếp với các quan chức Iran trước sự chứng kiến của những người khác nhưng thừa nhận "trao đổi trên là xây dựng, thiết thực và hội nghị này là một bước khởi đầu tốt". Ông Khalilzad cho biết các cuộc thảo luận chỉ giới hạn ở vấn đề Iraq.
Phát biểu với các phóng viên trong một cuộc hội thảo qua điện thoại từ Baghdada, ông Khalilzad cho biết ông coi hội nghị này là một dấu hiệu tốt bởi cả Iran và Syria đều cam kết ủng hộ một Iraq ổn định, bao gồm cả việc hòa giải giữa các phe phái tại Iraq. Ông Khalizad nói: "Đây là một cuộc họp tốt".
Ông Araghchi cũng xác nhận thông tin trên và cho biết ông không hề có cuộc gặp trực tiếp, hay riêng tư nào với ông Khalilzad và rằng cuộc thảo luận đã được tiến hành trong khuôn khổ của hội nghị trên.
Một điều rất đáng ghi nhận nữa là kết thúc cuộc họp, các bên tham gia đã nhất trí sẽ tiếp tục nhóm họp, có thể vào tháng 4/2007 tới. Các bên cũng đề nghị mở rộng thành phần tham gia hội nghị trong cuộc họp tới, theo đó, có thể bao gồm cả các quốc gia trong khối G-8 và các nước khác.
Cần một giải pháp toàn diện
Hội nghị tại Baghdada lần này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang gia tăng các cáo buộc nhằm vào Iran và đưa thêm chiếc tàu sân bay thứ hai tới gần bờ biển Iran tại Vịnh Ba Tư. Nhiều người hy vọng rằng việc tổ chức hội nghị này sẽ giúp tăng tiếp xúc trực tiếp giữa Tehran và Oashington, tạo điều kiện để hai bên thúc đẩy các lợi ích chung nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện giữa người Hồi giáo Shiite và người Sunni và hơn nữa là tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước, giải quyết một cách hòa bình vấn đề hạt nhân của Tehran.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Iran, ông Saeid Leylaz, hội nghị này sẽ là con số không nếu nó không đem lại một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Washington và Tehran.
Ông Laylaz nói: "Chúng tôi phải nói điều gì với họ về an ninh của Iraq khi mà an ninh của Iran không phải là một phần trong các cuộc đối thoại. Chỉ có một cuộc đối thoại xây dựng và chiến lược giữa Tehran and Washington mới có thể giải quyết được vấn đề Iraq. Iran có thể tạm thời giúp đỡ Iraq, nhưng để có một giải pháp lâu dài, các cuộc thảo luận nên bao gồm cả các bảo đảm an ninh cho toàn khu vực. Người Mỹ phải hiểu rằng vấn đề an ninh là vấn đề có tính chất sống còn với Iran. Và không có nơi nào an ninh lại quan trọng với Iran như ở khu vực biên giới Iran với Iraq.
Kiến Văn