1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iran - Mỹ: Muỗi có đốt được voi?

Nếu như phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận lên dầu xuất khẩu của Iran, Iran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz - một "điểm thắt" trong Vịnh Ba Tư, với 20% lượng dầu thế giới được vận chuyển qua đây. Lời đe dọa này đi kèm với dẫn chứng lịch sử.

 

 

Iran - Mỹ: Muỗi có đốt được voi? - 1

Iran thử tên lửa tầm trung.

Năm 1941, Nhật đánh bom Trân Châu cảng và tiến hành cuộc chiến chống lại Mỹ sau khi Washington phong tỏa các tàu chở dầu tới Tokyo. 80% lượng dầu của Nhật là phụ thuộc vào Mỹ, còn kinh doanh dầu chiếm tới 80% nguồn xuất khẩu của Iran. Một lệnh cấm vận toàn diện lên dầu của Iran kiểu như đã từng diễn ra với Đế quốc Nhật sẽ chỉ gây ra tai ương thảm khốc cho nền kinh tế.

 

Tuy nhiên, có một điều không hoàn hảo ở đây, đó là lệnh cấm vận dầu của Tổng thống Roosevelt không phải là vô cớ, bởi vì Đế quốc Nhật đã xâm lược Manchuria, và cướp bóc Trung Quốc, các nước Đông Dương. Trái lại, Iran không xâm lược bất kỳ quốc gia nào, và không có ý định như vậy. Trên thực tế, phương Tây lo ngại rằng chương trình hạt nhân của Iran có thể dẫn đến việc Iran sản xuất vũ khí hạt nhân và phỏng đoán rằng, một khi Iran có được loại vũ khí này, họ có thể hăm dọa các quốc gia láng giềng và khiến họ phải quỵ lụy, nắm quyền bá chủ trong Vịnh Ba Tư, gây bất lợi cho phương Tây.

 

Một cơ sở nữa từ phép loại suy giữa hai trường hợp này là Đế quốc Nhật dường như có sức mạnh quân sự và lợi thế về địa chiến lược để phủ đầu Mỹ. Trái lại, Cộng hòa Hồi giáo Iran lại có nhiều bất lợi về quân sự so với các đối thủ của mình, cũng như khiến cho việc đe dọa đóng cửa Vịnh Ba Tư trở thành trò đùa.

 

Hỏa lực lép vế trong vùng Vịnh

 

Trong gần như mọi quy mô của sức mạnh quân sự, Iran bị lép vế về mặt hỏa lực so với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) - một tổ chức có 6 thành viên bao gồm Ả Rập Xê Út, Bahrain, Cô-oét, Oman, Qatar và các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE). Sáu quốc gia này đã lập liên minh vào năm 1981 để chống đỡ với các cơn dư chất chính trị bất ổn sau cách mạng Iran năm 1979 và chiến tranh Iran-Iraq.

 

Trong một phương diện quân sự quan trọng, Iran vượt GCC về mặt quân số. Theo Học viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia đặt tại Israel, quân số trong quân đội Iran gần gấp đôi so với các quốc gia GCC - tức là 520.000 người, còn GCC chỉ có 350.000 người.

 

Theo cơ quan tình báo Mỹ CIA, Iran cũng có gấp đôi vì rất nhiều nam giới Iran trong độ tuổi tòng quân là từ 18-49. Nhưng như trong các cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq đã cho thấy, các chiến thắng quân sự hiện đại ngày nay không do quân số quyết định, mà chiến thắng thuộc về quốc gia có thể triển khai nhanh chóng và mạnh mẽ các vũ khí tối tân để đối phó với đối thủ. Và trong hạng mục này thì Iran lại có rất nhiều điểm yếu.

 

Theo tài liệu "Cân bằng lực lượng Iran và vùng Vịnh" do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, GCC (gồm cả Yemen) đã vượt Iran về hầu như mọi mặt trong các vũ khí thông thường. Trong nhiều trường hợp, liên minh Ả Rập/ (người Hồi giáo Sunni) được trang bị vũ trang chủ chốt nhiều gấp hai đến ba lần so với Iran.

 

Trên thực tế, Iran gần như mất ưu thế trong mặt trận chủ chốt là trên không, nơi mà ai cũng hiểu rằng: kiểm soát được bầu trời nghĩa là chiến thắng trên mặt đất. Nghiên cứu này cũng tính toán rằng trong hạng mục phi cơ chiến đấu "hiện đại", 190 chiếc phi cơ của Iran sẽ phải đương đầu với 576 phi cơ của GCC.

 

Nhưng các con số đó chưa nói lên hết mọi sự yếu thế của Iran, lệnh cấm vận vũ khí do phương Tây áp đặt lên Iran cả thập kỷ rqua đã khiến cho Cộng hòa Hồi giáo không thể mua được các phi cơ chiến đấu hiện đại hoặc công nghệ vũ khí tân tiến. Chiếc phi cơ chiến đấu tối tân nhất mà Iran có được là những chiếc MiGs lỗi thời của Nga và vài chiếc F-4s và F14s của Mỹ mua được từ hồi trước cách mạng Iran năm 1979.

 

Iran cũng sở hữu vài chiếc phi cơ chiến đấu của Pháp sản xuất mà phi công Iraq lái bay vào không phận Iran trong khi tìm cách thoát khỏi các máy may chiến đấu của Mỹ. Nhưng thực lực của các máy bay này cũng đặt ra nhiều nghi vấn như một nhà phân tích quân sự từng nói: "Iran vô cùng khó khăn trong việc duy trì thiết bị quân sự của mình do thiếu các bộ phận dự phòng và các thiết bị đào tạo". Tài liệu này cũng nhấn mạnh rằng lệnh cấm vận này đã khiến cho Iran không thể có được "số lượng lớn các xe bọc thép hiện đại, máy bay chiến đấu, các tên lửa đất đối không tầm xa, hoặc các thuyền chiến đấu". Hệ quả là, "phần lớn lực lượng vũ trang thông thường của Iran đều đã cũ hoặc không được trang bị nhiều chủng loại vũ khí có uy thế".

 

Ngân sách quân sự tương đối

 

GCC chi tiêu ngân sách cho quốc phòng gấp đôi Iran, điều này càng xoáy vào sự không cân xứng giữa Iran và các vương quốc Ả Rập ở vùng Vịnh. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm đã tính toán rằng hơn một thập kỷ qua, Ả Rập Xê Út, Cô-Oét, và các tiểu vương quốc Ả Rập đã chi khoảng 7% GDP của họ cho chi tiêu quốc phòng, trong khi Iran chỉ ở mức dưới 3% GDP. Còn hiện tại, toàn bộ chi tiêu quốc phòng kể từ năm 2000 cho tới giờ, ba quốc gia trên đã chi tiêu trung bình 16 tỉ USD/năm, còn Iran chi khoảng 8 tỉ USD.

 

Nhờ có khoản lợi nhuận kếch xù thu về giá dầu tăng cao, lại không bị cấm vận vũ khí, GCC đã mua một số vũ khí tối tân nhất mà chỉ tiền mới mua được, và hầu hết các loại này đều nhập từ Mỹ. Theo cơ quan nghiên cứu của Quốc hội, từ năm 2003 tới 2010, các hợp đồng buôn bán vũ khí giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út, Cô-Oét, và UAE lên tới 31,9 tỉ USD. Gần 25 tỉ USD trong số đó được chuyển trong khoảng năm 2007-2010.

 

Cuối năm 2011, kinh doanh vũ khí giữa các quốc gia vùng Vịnh đã lập đỉnh mới, với thông báo từ Washingon rằng họ có thể sẽ bán cho Ả Rập Xê Út lượng vũ khí trị giá 30 tỉ USD trong thập kỷ tới. Các mặt hàng này bao gồm 84 chiếc máy bay chiến đấu F-15. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các máy bay chiến đấu sẽ là những chiếc "tối tân nhất và mạnh mẽ nhất trên thế giới", được trang bị cùng với "bom thông minh" được vệ tinh dẫn đường, và các tên lửa chống tàu, và chống ra-đa trên mặt đất.

 

Gói hàng này cũng bao gồm 170 máy bay trực thăng. Các thỏa thuận trong năm 2011 đã đạt được với phía UAE cho một hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến trị giá 3,5 tỉ USD và 600 quả bom "công phá boongke" cùng với các loại vũ khí khác. Với Oman là 18 chiếc F16 và các vũ khí khác trị giá 3,6 tỉ USD; Cô-Oét là 900 triệu USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến và Iraq là gần 5 tỉ USD cho 18 chiếc máy bay chiến đấu F-16.

 

Người khổng lồ Mỹ

 

Tại vùng Vịnh vẫn còn một người khổng lồ nữa - đó là sự hiện diện của quân đội Mỹ. Bahrain là trụ sở của hạm đội tấn công thứ Năm của Mỹ CSG), hiện đang có trong tay số lượng tàu chiến đông đảo nhất thế giới, hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln có sức chứa hơn 80 máy bay chiến đấu và được yểm trợ bởi đội tàu từ 5-9 chiếc - gồm có tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường, tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ, tàu ngầm tấn công.

 

Hạm đội thứ Sáu của Mỹ trú ở biển Địa Trung Hải nhằm can thiệp vào vùng Vịnh (trong trường hợp cần thiết) cũng giống như trong chiến tranh Iraq. Máy bay ném bom B-1 đặt ở Oman cùng với các vũ khí đạn dược của Mỹ. Cô-Oét là một điểm tiếp nhiên liệu quan trọng cho máy bay của Mỹ. Tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ leon Panetta cho biết gần 29.000 lính Mỹ đang ở Cô-Oét cộng với 17.000 lính đang ở các quốc gia vùng Vịnh. Bên cạnh đó là các tàu chiến, và lực lượng trên bộ từ Pháp, Anh và Canada sát cánh cùng Mỹ. Như vậy cộng tất cả lại thì có thể nói rằng, sự tập trung hỏa lực quân sự thông thường lớn nhất trên hành tinh này chính là ở trong hoặc gần vùng Vịnh, và hầu hết là thuộc quyền sở hữu hoặc do Mỹ kiểm soát với khả năng lớn là nhằm vào Iran.

 

Về tương quan lực lượng quân sự như vậy, có thể nói rằng việc Iran gây nên đe dọa nào cho các quốc gia láng giềng cũng chẳng có gì đáng kể. Quân đội của Cộng hòa Hồi giáo thiếu khả năng tấncông, bất chấp lực lượng mặt đất có thể rất đông, nhưng vẫn không thể chiếm đóng trên các lãnh thổ khác trong một khoảng thời gian đáng kể. Không quân của Mỹ và GCC ưu thế hơn có thể "giải quyết nhanh gọn" bất kỳ các cuộc tấn công trên bộ nào. Lãnh đạo Iran là những người cấp tiến, và họ không có ý định tự kết liễu mình bằng việc châm ngòi cho một cuộc chiến mà họ hiểu rằng họ không thể thắng.

 

Nhưng như thế không có nghĩa là Iran không dám giáng đòn cho các đối thủ của mình. Học viện Hòa bình của Mỹ chỉ ra rằng quân đội của Iran luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng tấn công, được thiết kế "đặc biệt để chống lại các mối đe dọa từ Mỹ". Iran được cho là đang cố gắng thu hẹp khoảng cách về tiềm lực vũ khí thông thường bằng cách "phát triển một tiềm lực mạnh mẽ không đối xứng tập trung vào việc sử dụng các vũ khí thông min, máy bay tấn công hạng nhẹ, mìn, các chiến thuật di chuyển, và hàng rào tên lửa để đối phó với sức mạnh hải quân của Mỹ". Chiến thuật này có thể thành công. Năm 2002, Lầu Năm Góc tiến hành một trận giả mà trong đó, số lượng lớn các tàu chiến nhẹ có tốc độ cao của Iran tấn công tàu của Mỹ trong vùng Vịnh cùng với súng máy và rocket. Trong trận giả đó, Hải quân Mỹ mất 16 tàua chiến, bao gồm cả một hàng không mẫu hạm, tàu khu trục, và tàu đổ bộ trong một cuộc chiến chưa đầy 10 phút. Kể từ đó, Iran chỉ có thể tăng cường và mở rộng các tiềm lực không cân xứng của mình.

 

Và mối đe dọa thực sự mà Iran có thể mang lại cho Mỹ là khả năng tiến hành các cuộc tấn công trả đũa đáng gờm. Chiến thuật "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh" của Iran đang thách thức kiểu can thiệp quân sự "ít tốn kém" mà Mỹ ưa dùng.

 

Theo Lê Thu

Vietnamnet/Fpif