1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran “đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ giúp hàn gắn quan hệ với Mỹ”

(Dân trí) - Iran đã đề nghị Ankara giúp cải thiện mối quan hệ giữa Washington và Tehran, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải ngày 25/2.

Iran “đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ giúp hàn gắn quan hệ với Mỹ” - 1
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
 
Trả lời phỏng vấn với tờ Guardian của Anh trên máy bay của ông, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cho hay đề nghị của Iran được đưa ra khi cựu Tổng thống Mỹ Bush vẫn còn đang tại nhiệm và nói thêm rằng ông đã chuyển lời thỉnh cầu của Tehran tới Washington vào thời điểm đó.

Ông Erdogan còn nói, ông đang cân nhắc nêu lại vấn đề này với tân Tổng thống Mỹ Barack Obama, người từng tuyên bố muốn đàm phán với Iran tại hội nghị G20 tổ chức ở London vào tháng 4 tới.

“Iran muốn Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò như vậy”, ông Erdogan nói với tờ Guardian trong một chuyến bay tới Mardin thuộc miền đông nam đất nước trong chiến dịch vận động tranh cử địa phương.

“Và nếu Mỹ cũng muốn và đề nghị chúng tôi đảm nhiệm vai trò này, chúng tôi sẵn sàng. Họ (Iran) nói với chúng tôi rằng nếu có một cơ hội để cải thiện quan hệ, họ muốn Thổ Nhĩ Kỳ làm điều đó. Đó là những lời lẽ cởi mở. Chính tôi đã nói điều này với Tổng thống Bush”.

Hồi tháng 11 năm ngoái, ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng một vai trò tích cực nếu trở thành nhà trung gian trong các cuộc đàm phán vốn đã bị đình trệ với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nhà nước Hồi giáo. Nhưng Thủ tướng Erdogan không nói rõ liệu ông đã nhận được câu trả lời nào từ chính quyền Mỹ về đề xuất này hay chưa.

Mối quan hệ giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên thân thiết hơn trong những năm gần đây, với kim ngạch thương mại 2 chiều tăng lên trên 8 tỷ USD trong năm ngoái. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã gặp ông Erdogan và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul tại Istanbul hồi tháng 8/2008. Một vài quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thăm Iran trong những tháng gần đây nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế.

Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 1/3 lượng khí đốt từ Iran và cũng đã ký các thoả thuận sơ bộ nhằm đầu tư vào ngành công nghiệp khí đốt của Iran.
 
Những bình luận của ông Erdogan diễn ra đúng thời điểm Bộ ngoại giao Mỹ cuối cùng cũng đã bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Dennis Ross, người từng phục vụ dưới thời chính quyền Clinton, làm đặc phái viên chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề Iran.

Ông Ross, người có kinh nghiệm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, nhận chức danh là đặc phái viên về Vùng Vịnh và Tây Nam Á. Trong một bài viết đăng tải hồi tháng 9 năm ngoái, ông Ross đã ủng hộ cách tiếp cận ban đầu với Iran là qua một “kênh bí mật và trực tiếp”.

Các quan chức Mỹ trước kia tỏ vẻ hoài nghi về đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm trung gian hoà giải với Iran. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể sẽ được chính quyền Obama xem xét lại.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO và là đồng minh thân cận của Mỹ, cũng có chung mối lo ngại với Washington về chương trình hạt nhân của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran. Tehran khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích hoà bình trong khi các quốc gia phương Tây nghi ngờ Iran muốn phát triển bom nguyên tử.

Năm ngoái, Ankara đã làm trung gian hoà giải cho các cuộc đàm phán hoà bình giữa Israel và Syria, sử dụng tư cách thành viên của NATO và vị thế của một quốc gia Hồi giáo để giành niềm tin của các bên.

Ánh Ninh
Theo Guardian