1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iran đang “bắt bài” chiến lược áp lực tối đa của Mỹ?

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng vấn đề Iran hiện giờ được coi là thách thức gai góc nhất với chính sách ngoại giao mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi trong hơn 2 năm qua. Tehran được cho là đang nỗ lực tìm cách hóa giải chiến lược gây áp lực tối đa của Mỹ.

Iran đang “bắt bài” chiến lược áp lực tối đa của Mỹ? - 1

Vụ tấn công 2 tàu dầu trên vịnh Oman tiếp tục khiến căng thẳng tại Trung Đông leo thang (Ảnh: BBC)

Quân đội Iran ngày 17/6 cảnh báo có thể chặn tuyến đường vận tải dầu đi qua eo biển Hormuz. Vào cùng ngày, họ cũng thông báo về kế hoạch có thể tăng hoạt động làm giàu uranium vượt qua giới hạn quy ước trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA).

Trong bối cảnh Mỹ đang dồn mọi cáo buộc vào Iran trong vụ tấn công 2 tàu dầu ở vịnh Oman, giới quan sát nhận định Tehran đang trở thành thách thức lớn nhất với chính quyền ông Trump trong 2 năm rưỡi vừa qua.

Kể từ khi nắm quyền năm 2017, ông Trump đã áp dụng chính sách đối ngoại dựa vào học thuyết cảnh báo, và đảo ngược bất ngờ những chiến lược có tính chất truyền thống của Mỹ trong nhiều năm qua. Những ví dụ điển hình có thể kể tới như việc Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem, việc Mỹ rút khỏi JCPOA, rút khỏi các hiệp ước lâu năm, rút khỏi UNESCO, áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, cảnh báo Mexico về nhập cư và ngay cả việc quyết định rút quân khỏi Syria.

Tuy nhiên, theo National Interest, không phải toàn bộ những chiến lược của Mỹ đều đi theo những gì Washington kỳ vọng. Iran là một ví dụ điển hình.

Trong thời gian qua, căng thẳng giữa 2 quốc gia đã leo thang không ngừng với hàng loạt cáo buộc do 2 bên đưa ra chống lại nhau. Mỹ nhiều lần cảnh báo rằng họ không mong muốn chiến tranh, nhưng sẵn sàng để đáp trả hoặc ngăn chặn những mối đe dọa từ Iran. Họ điều động khí tài quân sự, quân nhân tới Trung Đông nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Iran.

Vụ tấn công ngày 13/6 vào 2 tàu dầu được cho là đã đẩy căng thẳng lên mức cao trào. Tuy nhiên, National Interest cho rằng dù đến nay cáo buộc từ Mỹ rằng Iran tấn công tàu dầu vẫn chưa ngã ngũ, nhưng Mỹ dường như đã bị “lộ bài” trước Tehran. Ý định của Mỹ có thể không phải là khởi phát một cuộc chiến tranh ở Trung Đông, mà muốn tiếp tục gây áp lực tối đa và dồn dập lên Iran để buộc Tehran phải đàm phán.

Vấn đề nằm ở chỗ Iran được cho là đã lên kế hoạch để “lách” qua học thuyết này của Mỹ ngay trước cả khi vụ tấn công diễn ra trên vịnh Oman.

Ngày 10/6, Iran tuyên bố họ sẽ tham gia cuộc họp vào ngày 14/6 tại Kyrgyzstan của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một nhóm 8 nước và Iran đóng vai trò quan sát viên . Sau đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tới Tajikistan tham gia hội thảo về xây dựng sự tương tác và niềm tin ở châu Á.

Tại các sự kiện này, Iran đã gặp gỡ các lãnh đạo từ Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia lớn trong Trung Đông. Tehran đánh giá những cuộc đối thoại này hiệu quả. Những cuộc họp này được cho là một phần nào đó thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và hướng tới một thế giới đa cực nhất là trong bối cảnh hiện tại khi Mỹ cũng đang căng thẳng với Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, kế hoạch gây áp lực tối đa hay cô lập toàn diện Iran của Mỹ gặp phải trở ngại.

Ngoài ra, hành động của Iran cho thấy Tehran dường như tin rằng Mỹ sẽ không “động binh” ít nhất vào lúc này. Sau sự kiện Mỹ cáo buộc Iran tấn công 2 tàu dầu, nếu Iran lo ngại về mối đe dọa chiến tranh bùng phát, cả Ngoại trưởng và Tổng thống của nước họ sẽ không thể rời Iran ra nước ngoài ngay sau vụ việc ngày 13/6 xảy ra. Chính vì thế, giới quan sát cho rằng Mỹ có thể đang gây áp lực lên chính trị, quân sự và kinh tế Iran nhưng có thể những áp lực này khó đạt đến mức tối đa như họ mong muốn và hiệu quả có thể bị hạn chế.

Ngoài ra, Iran cũng cảnh báo về việc không thực hiện theo 1 số cam kết trong JCPOA. Họ ra tối hậu thư cho Phương Tây để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Chính vì vậy, dường như một số đồng minh của Mỹ còn chần chừ trong việc ủng hộ Washington trong cáo buộc Iran tấn công tàu dầu vì lo ngại áp lực quá lớn có thể khiến Iran đảo ngược JCPOA. 

Khi Mỹ điện đàm với các nước trong khu vực, như Iraq, để chia sẻ những nhận định của họ về vụ 2 tàu dầu, Iran dường như đã tính xa hơn phạm vi Trung Đông. Lời cảnh báo về việc phong tỏa eo biển Hormuz có thể có tác động lớn do động thái này nếu được thực hiện sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền công nghiệp dầu mỏ thế giới. Mỹ tuyên bố rằng điều này (phong tỏa) sẽ không xảy ra.

Đức Hoàng

Theo National Interest