1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Indonesia trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ

Minh Phương

(Dân trí) - Indonesia đã trao công hàm phản đối việc một tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông cuối tuần qua.

Indonesia trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ - 1

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) trên tàu hải quân ra thăm quần đảo Natuna tháng 6/2016 (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Berna News dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah ngày 14/9 cho biết, Jakarta đã trao công hàm phản đối cho Đại sứ quán Trung Quốc để nhấn mạnh rằng, Indonesia bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Chúng tôi đã nêu rõ với đại sứ quán Trung Quốc rằng, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia không chồng lấn với lãnh hải Trung Quốc", ông Faizasyah nói. Ông Faizasyah nhấn mạnh, yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Động thái của Bộ Ngoại giao Indonesia diễn ra sau khi giới chức nước này chỉ trích tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm EEZ của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natuna.

Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia Bakamla cho biết, một tàu tuần tra của Indonesia đã phát hiện tàu hải cảnh CCG 5204 của Trung Quốc xâm phạm EEZ hôm 12/9 và yêu cầu tàu ngày lập tức rời đi. Tuy nhiên tàu Trung Quốc chỉ rời khu vực vào chiều 14/9.

"Họ nói rằng họ đang tuần tra bởi khu vực này thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Họ có thể cho tàu đi qua nhưng tuần tra khu vực đó có nghĩa họ coi đó là vùng biển của họ. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ điều này và tuyên bố đây là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi ", người phát ngôn của Bakamla, ông Wisnu Pramandita, nói.

Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhận định việc Indonesia truy đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc và trao công hàm phản đối cho thấy lập trường cứng rắn hơn của Indonesia đối với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đây chỉ là một trong số vụ tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm vùng biển do Indonesia kiểm soát. Hồi tháng 1, Indonesia đã triển khai 4 máy bay chiến đấu F-16 tới đảo Natuna sau khi các tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc đi vào khu vực này.

Indonesia nhiều lần khẳng định không nằm trong số các nước có tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố quyền lịch sử với vùng biển chồng lấn với EEZ của Indonesia. Theo luật biển quốc tế, EEZ được xác định là vùng biển mở rộng từ các quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo, nằm bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải. Đây là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm