1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia tiết lộ không thể đưa Tổng thống Nga - Ukraine đến bàn đàm phán

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông cảm thấy "khó khăn" khi đưa hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga ngồi lại với nhau để đàm phán chấm dứt xung đột.

Indonesia tiết lộ không thể đưa Tổng thống Nga - Ukraine đến bàn đàm phán - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

"Tôi thực sự muốn tìm kiếm không gian để đối thoại khi tôi đến Ukraine và Nga. Nhưng trên thực tế, tôi nhận thấy rất khó để đưa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin cùng ngồi vào bàn đàm phán", Tổng thống Joko Widodo nói tại một sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia tổ chức ở Đông Jakarta hôm 23/8.

Tổng thống Widodo từng có cuộc trao đổi với Tổng thống Zelensky tại Kiev trước khi gặp Tổng thống Putin tại Moscow để kết nối hai nhà lãnh đạo nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra.

Tổng thống Widodo cũng cho biết, sau khi nỗ lực làm trung gian hòa giải của ông không đạt kết quả, mặc dù ông đã dành tổng cộng 4 giờ đồng hồ với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, ông đã thay đổi chủ đề của cuộc gặp để thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vốn ngày càng trầm trọng hơn do xung đột. Tổng thống Indonesia nói thêm rằng ông đã trao đổi quan điểm với cả ông Zelensky và ông Putin về các kho dự trữ lúa mì ở Ukraine và Nga.

An ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Widodo trong bối cảnh Indonesia sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali vào tháng 11 tới. Indonesia cũng là nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới và cảm nhận rõ tác động của cuộc chiến tại Ukraine.

Ngoài Indonesia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng đề xuất làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đầu tháng 8 tuyên bố, Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky chỉ có thể gặp nhau sau khi các nhà đàm phán của cả hai bên đã "làm xong phần việc của họ".

Hồi tháng 6, ông Peskov tuyên bố bất kỳ cuộc gặp nào ở cấp cao nhất giữa Nga và Ukraine "đều phải hiệu quả và được chuẩn bị kỹ lưỡng".

Theo Cố vấn Điện Kremlin Yury Ushakov, Nga không từ chối cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Ukraine, nhưng kế hoạch này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky từng tuyên bố, Tổng thống Putin là quan chức Nga duy nhất mà ông sẵn sàng gặp để thảo luận về cách thức chấm dứt xung đột.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng, cơ hội cho cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky sẽ chỉ xuất hiện sau khi quá trình đàm phán giữa Moscow và Kiev được nối lại. Ông Lavrov nói thêm rằng, kể từ giữa tháng 4, Ukraine đã không đưa ra phản hồi đối với phiên bản dự thảo thỏa thuận của Nga với Kiev.

Cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3. Tại vòng đàm phán này, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại Kiev sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.

Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk. Trong khi đó, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ. 

Theo SCMP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine