1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia thành "điểm cháy" Covid-19, nhiều bệnh nhân chết tại nhà

Minh Phương

(Dân trí) - Mỗi ngày Indonesia ghi nhận khoảng 1.000 ca tử vong vì Covid-19, trong đó nhiều bệnh nhân chết tại nhà vì các bệnh viện đã quá tải và không tiếp nhận.

Indonesia thành điểm cháy Covid-19, nhiều bệnh nhân chết tại nhà - 1

Nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Indonesia chết tại nhà do các bệnh viện quá tải (Ảnh: Al Jazeera).

Thảm kịch bệnh nhân Covid-19 chết tại nhà

Tại một con phố ở Bogor, ngoại ô thủ đô Jakarta của Indonesia, lại thêm một gia đình vừa mất đi người thân vì Covid-19. Ngồi trước thi thể cha vừa qua đời vì Covid-19, cô gái trẻ nức nở: "Tỉnh lại đi cha, đừng ngủ nữa". Lúc này một nhóm tình nguyện đang cẩn thận bọc thi thể của người cha bằng nilon.

Những tiếng than khóc đau buồn này đã quá quen thuộc với Muhammad Jauhar, 32 tuổi, một thành viên đội hỗ trợ gia đình các nạn nhân Covid-19 ở địa phương.
"Chúng tôi làm rất nhiều công việc khác nhau, tôi lái xe cứu thương chở thi thể, tôi cũng chuẩn bị nhiều thứ khác như quan tài, tấm vải liệm", Jauhar nói với hãng tin Al Jazeera.

Đây vốn không phải công việc của Jauhar. Anh thực tế làm trong ngành truyền hình, nhưng khi Indonesia quay cuồng trong làn sóng Covid-19 mới, anh tham gia vào đội tình nguyện để hỗ trợ gia đình các nạn nhân Covid-19 bởi có quá nhiều gia đình như vậy, trong khi dịch vụ tang lễ không thể chôn cất hết. Tại các nghĩa địa, phu mộ phải làm việc tới tận đêm khuya mới có thể chôn cất các thi thể đổ về quá nhiều.

Những tình nguyện viên như Jauhar hiện giờ bù đắp một phần quan trọng cho lĩnh vực dịch vụ tang lễ. "Tác động của Covid-19 thật khủng khiếp, số người chết ở Bogor tăng cao. Đây là những gì chúng tôi có thể làm để giúp đỡ các gia đình. Chúng tôi không nhận bất cứ khoản tiền nào. Chúng tôi làm việc này từ tâm", Jauhar nói.

Trong tháng này, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ về số ca nhiễm mới trong ngày, và vượt Brazil về số ca tử vong trong ngày do Covid-19. Riêng trong ngày 19/7, Indonesia ghi nhận 1.338 ca tử vong do đại dịch, con số tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do quy mô xét nghiệm Covid-19 ở Indonesia còn hạn chế. Số ca Covid-19 tăng nhanh khiến các bệnh viện ở Indonesia quá tải, nhiều bệnh nhân không được nhập viện, phải tự cách ly và tử vong tại nhà.

"Hầu hết những người chết tại nhà là do khó tiếp cận bệnh viện. Khi bệnh tình của họ xấu đi nhanh chóng, họ tìm cách nhập viện điều trị, nhưng các bệnh viện đều đã quá tải, nên họ tử vong tại nhà. Chúng tôi coi việc bệnh nhân tử vong khi cách ly tại nhà là một dấu hiệu của sự sụp đổ của hệ thống y tế", Ahmad Arif, một trong những người đồng sáng lập tổ chức độ lập Lapor Covid-19, cho biết.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các vùng đông dân của Indonesia như Java, mà cũng bắt đầu xuất hiện ở những nơi xa xôi như Riau, Lampung, East Nusa Tenggara, Kalimantan.

Indonesia thành "điểm cháy" Covid-19

Indonesia thành điểm cháy Covid-19, nhiều bệnh nhân chết tại nhà - 2

Indonesia hiện là tâm dịch Covid-19 ở châu Á (Ảnh: AFP).

Lapor Covid-19, một tổ chức độc lập cho biết, số người chết vì Covid-19 ở Indonesia thực tế có thể cao hơn từ 3-5 lần so với thống kê.

Ông Dicky Budiman, một chuyên gia dịch tễ của Đại học Griffith, cũng cho rằng con số thực tế có thể cao hơn khoảng 4 lần và nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát mạnh trở lại ở Indonesia là biến chủng Delta. Theo ông, nếu chính phủ Indonesia không tăng cường xét nghiệm, truy vết và cách ly người mắc Covid-19, số ca tử vong trong ngày có thể lên đến 2.300 người vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

"Điều này thật khủng khiếp, nếu không muốn nói là thảm họa. Tôi không cố phóng đại tình hình, nhưng Indonesia có thể không còn là điểm nóng nữa mà đã trở thành điểm cháy (Covid-19). Các giường bệnh đều đã kín, nhân viên y tế nhiễm Covid-19. Nguồn cung ôxy y tế và máy thở đang cạn kiệt. Tôi không biết diễn đạt thế nào hơn là hệ thống y tế của chúng ta đang sụp đổ", ông Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, nhà nghiên cứu của đơn vị quản lý thảm họa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Jakarta, bình luận.

Chính phủ Indonesia đang xây dựng các bệnh viện dã chiến để đối phó với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, đồng thời tăng cường nhập khẩu ôxy. Tuy nhiên, giới chức nước này cũng thừa nhận rằng, các biện pháp hiện nay không thể chặn đứng được sự lây lan của virus khi các hoạt động đi lại không giảm đáng kể.

"Các bệnh viện của chúng ta không thể chống chịu thêm được nữa nếu các hoạt động di chuyển của người dân không giảm ít nhất 20%", Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin phát biểu tại một phiên điều trần tuần trước.

Tình thế của các bệnh viện Indonesia càng nguy cấp hơn nữa khi ngày càng nhiều nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông Ahmad Syaifuddin, Giám đốc Bệnh viện Hồi giáo Sunan Kudus, cho biết khoảng 10%, hay 800 nhân viên y tế, ở Kudus đã dương tính với SARS-CoV-2 và phải cách ly từ cuối tháng 5. "Điều này làm tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ y tế vẫn đang chiến đấu với đại dịch", ông Syaifuddin nói.

Theo Hiệp hội bác sĩ Indonesia, kể từ tháng 2 đến nay, ít nhất 184 bác sĩ ở nước này đã chết vì Covid-19 mặc dù ít nhất 20% trong số đó đã được tiêm chủng đầy đủ.

Mặc dù hệ thống y tế của Indonesia đã ở trên bờ vực sụp đổ bởi làn sóng Covid-19 mới nhất này, các chuyên gia cảnh báo Indonesia vẫn chưa đến đỉnh dịch.

Indonesia quay cuồng trong bão Covid-19