1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Indonesia sẽ tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông để đối phó với Trung Quốc

Indonesia sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông để đối phó với các “hành động khiêu khích của Trung Quốc”.

Ngày 13/6, Chủ tịch Ủy ban I, Hạ viện Indonesia, ông Sukamta đã yêu cầu Tư lệnh Quân đội Quốc gia Indonesia triển khai tàu chiến và máy bay trinh sát ở vùng Biển Natuna để giữ chủ quyền lãnh thổ của Indonesia trước sự xâm phạm của các tàu nước ngoài.

Indonesia sẽ tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông để đối phó với Trung Quốc - 1

Indonesia sẽ tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông để đối phó với Trung Quốc. Nguồn: AntaraFoto

Ông Sukamta nhấn mạnh, những phản ứng mạnh mẽ từ Chính phủ Indonesia sẽ là tín hiệu để nhắc nhở Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào đang cố gắng xâm nhập lãnh thổ Indonesia một cách bất hợp pháp. Ông Sukamta cho rằng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, lãnh thổ Indonesia bao gồm khu vực đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý, trường hợp này bao gồm đảo Natuna của Indonesia. Trung Quốc là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 phải tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Chính trị gia từ Hạ viện Indonesia cũng yêu cầu chính phủ tiếp tục tăng cường ngoại giao và hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực ASEAN mà cho đến nay cũng bị ảnh hưởng bởi các “yêu sách đơn phương của Trung Quốc” trên Biển Đông. “Việc thống nhất ASEAN chắc chắn sẽ gây áp lực buộc Bắc Kinh không thể tự hào về sức mạnh của mình và cũng để đảm bảo rằng Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ các quy tắc quốc tế và Phán quyết của Tòa án Trọng tài năm 2016”, ông nói.

Trước đó, các nhà quan sát đã coi việc triển khai các tàu cá và tàu khảo sát đến Biển Đông là chiến thuật mới của Trung Quốc nhằm tăng cường yêu sách đối với vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên. Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia, Phó Đô đốc Aan Kurnia cho rằng, các cuộc diễn tập của Trung Quốc tại khu vực Đặc quyền Kinh tế Indonesia (EEZ) có xu hướng ngày càng "khiêu khích" hơn, trong đó bao gồm Chiến dịch Biển xanh năm 2020, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, thành lập hai quận và đặt tên cho 80 cụm đảo san hô và các chủ thể khác ở Biển Đông.

Theo ông Kurnia, vấn đề Biển Đông đang ngày càng nóng lên, có nhiều khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc về thẩm quyền quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ).

Phó Đô đốc Aan Kurnia khẳng định, Indonesia sẽ xây dựng chiến lược về quản trị và hợp tác, tăng cường sự hiện diện của các nhân viên thực thi pháp luật tại Biển Đông dựa trên quyền tài phán Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và Indonesia sẽ có những thái độ nghiêm túc trước sự leo thang ở Biển Đông xảy ra do các "hành động khiêu khích" của Trung Quốc.

Theo Hương Trà

VOV-Jakarta