1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia chấn động vụ bê bối đánh cắp vắc xin Covid-19 cấp cho nhà tù

Thanh Thành

(Dân trí) - Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 4 người, trong đó có một bác sĩ tại nhà tù Tanjung Gusta ở Medan, Bắc Sumatra, với cáo buộc đánh cắp hơn 1.000 liều vắc xin được cấp cho nhà tù và bán lại cho người khác.

Indonesia chấn động vụ bê bối đánh cắp vắc xin Covid-19 cấp cho nhà tù - 1

Indonesia đã thả nhiều tù nhân do mối lo bùng phát đại dịch Covid-19 tại các nhà tù vốn luôn trong tình trạng quá tải (Ảnh: Reuters).

Cảnh sát nước này cho biết, 3 viên chức và một người môi giới bất động sản, bị bắt hôm 21/5 sau khi bán lại 1.085 liều vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất với giá 250.000 rupiah Indonesia (17 USD)/liều. Cảnh sát trưởng Bắc Sumatra, RZ Panca Putra Simanjuntak, cho biết 2 trong số các nghi phạm (chỉ được biết đến là IW và KS) là bác sĩ tại nhà tù Tanjung Gusta ở Medan và Văn phòng Y tế Công cộng Bắc Sumatra.

Đây là lần thứ hai trong tháng này, Bắc Sumatra bị rúng động bởi một vụ bê bối liên quan đến Covid-19. Hồi đầu tháng 5, các nguồn tin cho biết, Kimia Farma - công ty chịu trách nhiệm lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 tại Sân bay Quốc tế Kualanamu ở thành phố Medan - đã tái sử dụng tăm bông dùng để ngoáy mũi họng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hành khách.

Indonesia cho đến nay ghi nhận gần 1,8 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó các nhà tù chứng kiến những đợt bùng phát kinh hoàng. Những vụ việc trên càng làm dấy lên những mối lo về nạn tham nhũng và an toàn vệ sinh trong hệ thống nhà tù quá đông đúc của Indonesia.

Theo bà Judith Jacob, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London, các nhà tù ở Indonesia là "mối nguy hiểm" Covid-19 do quá tải và thiếu nhân viên. "Sẽ khó thực hiện cách ly xã hội hay cách ly y tế các tù nhân bị nhiễm bệnh trong nhà tù ở Indonesia", bà Jacob nói. Trong khi đó, Giám đốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế Indonesia, Usman Hamid, nhấn mạnh "không được bỏ quên" các tù nhân trong cuộc chiến chống đại dịch.

Vào tháng 8/2020, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Indonesia cho biết, gần 270.000 tù nhân bị giam giữ trong các nhà tù ở nước này khi đại dịch bắt đầu bùng nổ, cao hơn gấp đôi so với sức chứa quy định. Mối lo dịch bệnh bùng phát khi nhà tù quá tải, thiếu nước sạch, vệ sinh kém. Theo ông Usman Hamid, Covid-19 đã làm lộ ra lổ hổng lớn về dịch vụ y tế trong các nhà tù. Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà tù không muốn hoặc bất lực trước áp lực y tế dự phòng và dịch vụ y tế cho các tù nhân.

Vào tháng 4/2020, Bộ trưởng Tư pháp và Nhân quyền Indonesia Yasonna Laoly thông báo sẽ sớm trả tự do cho 50.000 tù nhân, đồng thời cấm việc thăm thân nhân tại các nhà tù nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Nhưng đến tháng 7/2020, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, khoảng 234.000 tù nhân vẫn bị giam giữ.

Rizky, một tù nhân sớm được trả tự do vào tháng 5/2020, cho hay ông thật sự bất ngờ khi nghe tin về vụ đánh cắp vắc xin và tố cáo những người liên quan vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, ông Rizky cũng nói thêm, đó không phải là điều hiếm xảy ra ở nhà tù Tanjung Gusta, nơi các quản lý bị cáo buộc thường ăn chặn thực phẩm của tù nhân.

Nhà tù nhiều nước áp lực vì Covid-19

Indonesia, quốc gia với hơn 270 triệu người, có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Cho đến nay, chỉ khoảng 10 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, Cảnh sát trưởng Simanjuntak cho rằng, đây không nên là lý do để các giới chức mua bán vắc xin trên thị trường chợ đen. "Người dân không cần lo lắng vì chính phủ đảm bảo rằng mọi người sẽ được tiêm vắc xin theo từng giai đoạn", cảnh sát trưởng cho biết.

Không chỉ riêng Indonesia phải đối mặt với những áp lực liên quan đến Covid-19 trong các nhà tù.

Tại Thái Lan, 1.795 tù nhân tại nhà tù Remand ở Bangkok và 1.040 tù nhân khác tại Viện Cải huấn Phụ nữ Trung ương gần đây đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và hàng trăm người khác được cho là đã bị nhiễm bệnh tại các cơ sở khác ở Chiang Mai và Narathiwat. Kể từ khi đại dịch bùng phát, hơn 10.000 tù nhân đã bị ảnh hưởng. Thái Lan hiện đang xem xét sớm trả tự do cho 50.000 tù nhân, mặc dù hôm 17/5, Bộ Tư pháp nước này nhấn mạnh sẽ tập trung vào việc tiêm vắc xin cho các tù nhân và nhân viên.

Tại Campuchia, ngày 23/5, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi các giới chức Campuchia "nhanh chóng giải quyết vấn đề dịch bệnh lây lan trong các nhà tù". Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi 34 tù nhân tại nhà tù tỉnh Preah Sihanouk nhiễm bệnh.

Campuchia gần đây đã bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin cho gần 39.000 tù nhân. Trong khi đó, Malaysia cam kết trả tự do cho hơn 11.000 người bị giam giữ. Tuy nhiên, chính phủ nước này đang hứng chỉ trích vì bắt giữ và điều tra hàng nghìn người vi phạm lệnh cách ly. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 100.000 tù nhân đã được thả kể từ khi đại dịch hoành hành, trong khi Iran tạm thời thả hơn 85.000 tù nhân.