1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Idlib trở thành Aleppo thứ hai: Chiến trường nhạy cảm

Nhiều ý kiến cho rằng, trận chiến dự báo sắp diễn ra tại Idlib (Syria) thậm chí còn quyết liệt và đẫm máu hơn cả Aleppo

Trong khi niềm vui chiến thắng Aleppo còn chưa dứt, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh đã phải quyết định các bước đi tiếp theo để thực hiện tham vọng kiểm soát toàn bộ khu vực lãnh thổ của đất nước.

Các chuyên gia phân tích nhận định, tỉnh Idlib sẽ là mặt trận mới của quân đội Syria và một số đồng minh. Phần lớn lãnh thổ trong tỉnh Idlib đã rơi vào tay nhóm vũ trang trong nửa đầu năm 2015 - một cú giáng vào chính phủ của Tổng thống Assad, mở đường cho việc Nga can thiệp quân sự vài tháng sau đó.

Tỉnh Idlib sẽ là mặt trận mới của quân đội Syria
Tỉnh Idlib sẽ là mặt trận mới của quân đội Syria

Đề cập bước đi tiếp theo trong chiến dịch quân sự của mình, Tổng thống Assad nhận định, ưu tiên hàng đầu sau Aleppo đó là Idlib. Có mối liên hệ trực tiếp giữa Aleppo và Idlib, vì sự hiện diện của nhóm Jabhat al-Nusra ở ngoại ô Aleppo và tại Idlib. Thực tế, Idlib cũng đã là mục tiêu trong các cuộc không kích của Nga những tháng gần đây.

Nằm dọc biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, Idlib có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với chính phủ của Tổng thống Syria Assad. Loại bỏ các nhóm vũ trang ra khỏi tỉnh này sẽ giúp đảm bảo an ninh trong tuyến đường cao tốc từ Damascus tới Aleppo cùng khu vực lân cận Latalia và tỉnh Hama.

Giới quan sát nhận định, xét về vị trí địa lí, kinh nghiệm quân sự và hậu cần thì quân đội chính phủ đang có nhiều lợi thế, đặc biệt sau chiến thắng tại Aleppo. Ông Assad có thể huy động được một lượng lớn quân để loại bỏ các nhóm đối lập đang kiểm soát các khu vực còn lại của đất nước.

Idlib cũng bao gồm số lượng lớn các phần tử vũ trang từ các nhóm khác nhau nên dễ xảy ra khả năng tranh chấp và không có sự thống nhất.

Giám đốc Chương trình Trung Đông của Tổ chức Ân xá quốc tế Philipin Luther cũng nhận định, người dân trong khu vực do nhóm đối lập kiểm soát tại Idlib đang có tâm lí bất mãn và có thể là nguồn hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch của quân đội chính phủ.

Ngoài ra, Mặt trận al-Nusra bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách các nhóm khủng bố có căn cứ chính ở Idlib. Do đó, cộng đồng quốc tế sẽ không thể gọi nhóm này là 'đối lập ôn hòa' và sẽ không thể thao túng như ở Aleppo.

Cuộc chiến không dễ dàng?

Mặc dù vậy, cũng có nhiều nhận định cuộc chiến này sẽ khó khăn hơn cho chính phủ của Tổng thống Assad và các đồng minh. Học giả của trung tâm Trung Đông Carnegie Raphaël Lefèvre cho rằng, Idlib là mặt trận thống nhất hơn so với Aleppo - vốn bị chia rẽ quyền kiểm soát giữa phe đối lập tại phía Đông và chính phủ tại phía Tây.

Tỉnh này cũng là căn cứ của nhánh al-Qaeda và cũng là địa điểm của hàng nghìn phần tử vũ trang sơ tán từ các khu vực khác của đất nước, khiến cho trận chiến này thậm chí còn quyết liệt và đẫm máu hơn cả Aleppo.

Nạn nhân được cứu từ đống đổ nát sau vụ không kích ở TP Idlib hồi tháng 9
Nạn nhân được cứu từ đống đổ nát sau vụ không kích ở TP Idlib hồi tháng 9

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staphan de Mistura hôm 22/12 đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn trên toàn Syria để tránh Idlib trở thành một Aleppo tiếp theo. "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra ở Idlib. Nhưng nếu không có lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận chính trị, Idlib sẽ trở thành một Aleppo mới", ông Mistura nói.

Bên cạnh đó, ông Mistura nhận định: ''Ưu tiên hàng đầu hiện nay đó là dừng các hành động thù địch trên toàn Syria. Tiếp theo đó là chắc chắn rằng hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc sẽ đến được với người dân đi sơ tán. Rất nhiều người đã đến Idlib và theo lí thuyết thì đây sẽ là Aleppo tiếp theo. Vì vậy, đây là thời điểm để tiếp tục các nỗ lực chính trị tại Syria''.

Trong khi đó, nghị sĩ quốc hội Syria, ông Ashwak Abbas nói với đài Sputnik rằng, chiến thắng của Quân đội Syria ở Aleppo đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Ông nhận định: "Trước hết về Aleppo. Điều gì đang xảy ra ở đó là rất quan trọng. Đây không chỉ là một chiến thắng quân sự mà còn là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Bây giờ chúng tôi có cơ hội tốt hơn trong giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình''.

Nghị sĩ Abbas nói ông không hề ngạc nhiên về ''tuyên bố gây tranh cãi'' của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura. Ông lưu ý: "Đầu tiên, ông Mistura ủng hộ việc di tản các tay súng khủng bố từ Aleppo đến Idlib... Bây giờ, ông ấy lại bày tỏ quan ngại về tình hình Idlib''.

Học giả Ashwak Abbas nhấn mạnh rằng tỉnh Idlib đã trở thành một trung tâm tụ tập những kẻ khủng bố và các nhà tài trợ nước ngoài của họ. Tuy nhiên, nếu quyết định đánh đuổi chúng khỏi Idlib, Quân đội Syria sẽ có một vị thế tốt hơn so với ở thành phố Aleppo.

Xét về vị trí địa lý của Idlib, kinh nghiệm quân sự và hậu cần, lợi thế đang nằm trong tay các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria.

"Chúng ta đều biết rằng, kể từ khi bắt đầu của cuộc khủng hoảng Syria, Mặt trận al-Nusra bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách các nhóm khủng bố đã bám trụ ở Idlib. Do đó, cộng đồng quốc tế sẽ không thể gọi Mặt trận al-Nusra là 'đối lập ôn hòa" và sẽ không thể thao túng luật pháp quốc tế như ở Aleppo'', nghị sĩ Abbas khẳng định.

Đồng thời, học giả Abbas cũng bày tỏ nghi ngờ về đề nghị của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc de Mistura khởi động các cuộc đàm phán với cái gọi là phe đối lập Syria. Ông Abbas lưu ý đến thực tế rằng phe đối lập Syria bao gồm các "lực lượng khác nhau" và nhận được sự hậu thuẫn của các nước khác nhau, trong khu vực và cũng như trên toàn cầu.

Ông nói thêm: ''Một số nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ và một số nhóm khác được Qatar, Ả-rập Xê-út, Jordan và Israel hậu thuẫn. Cũng có một số nhóm được Pháp, Đức, Anh và Mỹ đỡ đầu. Trong khi đó, nhiều nhóm lại thuộc phong trào Hồi giáo cực đoan".

Trả lời câu hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Mặt trận al-Nusra cũ khi chúng bị tấn công ở tỉnh Idlib, ông Abbas nhấn mạnh: "Tôi đảm bảo với quí vị là có''.

Giới phân tích nhận định, nếu Idlib thực sự trở thành mục tiêu tiếp theo thì quân đội Syria sẽ gặp phải không ít khó khăn, nhất là khi lực lượng này phải san đều trên 3 mặt trận.

Thứ nhất, mặc dù Quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo nhưng phần lớn tỉnh này vẫn nằm trong tay các lực lượng quân sự khác nhau, dẫn đến việc thành phố Aleppo hoàn toàn có thể bị khủng bố hoặc phiến quân tái chiếm một lần nữa. Vì vậy quân đội nước này vẫn phải duy trì một lượng quân thường trực để đảm bảo an ninh tại đây.

Thứ hai, mặc dù quân đội Syria đã chiếm được nhiều vị trí quan trọng tại Palmyra, tuy nhiên theo ghi nhận của ANNA News, chiến trường Palmyra đang đi vào tình trạng phòng thủ bị động và sa lầy do các đơn vị chủ lực không có được những gì cần thiết để tiếp tục một chiến dịch hiệu quả mới.

Thứ ba, nhiều chuyên gia đánh giá Idlib có vị trí khá thuận lợi cho việc tấn công của quân đội Syria. Thế nhưng trên thực tế, Idlib có địa hình nhiều đồi núi, hiểm trở, việc tiến công vào cứ điểm này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Trung Dũng

Đất Việt