1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thị uy sức mạnh, Địa Trung Hải chưa “yên tiếng sóng”

Cuộc tập trận mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ mang tên “Bão Địa Trung Hải” và dự kiến diễn ra trong gần 1 tuần.

Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay (6/9) tổ chức tập trận bắn đạn thật ngoài khơi phía Tây Bắc đảo Síp. Lo ngại những động thái biểu dương sức mạnh như thế này của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có thể đẩy căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát, Đức, Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cả Liên Hợp Quốc đều đã vào cuộc nhằm giữ cho Địa Trung Hải “yên tiếng sóng”. 

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thị uy sức mạnh, Địa Trung Hải chưa “yên tiếng sóng” - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Time

Cuộc tập trận mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ mang tên “Bão Địa Trung Hải” và dự kiến diễn ra trong gần 1 tuần. Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động quân sự hàng năm này là nhằm cải thiện khả năng huấn luyện chung, hợp tác và phối hợp giữa các lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng đang đóng quân tại phía Bắc đảo Síp.

Phát biểu trên truyền hình một ngày trước cuộc tập trận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cảnh báo, nước này có sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự, sẵn sàng loại bỏ bản đồ không chính xác về đường lãnh hải và khu vực đặc quyền kinh tế. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần nhấn mạnh, nước này sẵn sàng cho mọi trường hợp kể cả xấu nhất nhằm bảo vệ các quyền của mình: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được các quyền của mình ở Biển Đen, Biển Aegean và Địa Trung Hải. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những gì thuộc về mình giống như cách chúng tôi không đòi quyền lợi, lãnh thổ hoặc đặc quyền của quốc gia khác”.

Những tranh cãi về hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải đã leo thang trong những tuần gần đây. Hy Lạp coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này. Cả hai bên đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở phía Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Síp, khiến những tranh chấp giữa đôi bên có nguy cơ leo thang thành đối đầu.

Trong nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa hai nước đồng minh, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hồi tuần này cho biết Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động các cuộc đàm phán kỹ thuật nhằm giảm nguy cơ xung đột vũ trang tại khu vực ngoài khơi giàu tài nguyên năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.

“Sau cuộc thảo luận của tôi với các nhà lãnh đạo Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước đã khởi động các cuộc đàm phán kỹ thuật. Mục đích là nhằm thiết lập các cơ chế giải trừ căng thẳng quân sự nhằm giảm nguy cơ xảy ra các sự cố ở Đông Địa Trung Hải”, ông Jens Stoltenberg nói.

Tuy nhiên, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ dường như đều chưa sẵn sàng tháo ngòi nổ căng thẳng. Trong khi Hy Lạp ngay lập tức bác bỏ thông tin, thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẵn sàng thảo luận về mọi hình thức chia sẻ nguồn tài nguyên khí đốt song phải dựa trên sự công bằng.

Nỗ lực trước đó của Đức nhằm hóa giải tình thế khó khăn này cũng đã sụp đổ khi Hy Lạp tuyên bố đạt thỏa thuận năng lượng với Ai Cập mà theo đó sẽ thực thi chủ quyền ở một vùng biển rộng lớn. Động thái được xem là cách Athens đáp trả thỏa thuận tương tự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya.

Chiến tranh không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và xung đột giữa hai quốc gia là thành viên của NATO là điều khó có thể chấp nhận được. Nhưng căng thẳng ở Địa Trung Hải hiện đã lên ngưỡng mà như Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhận định là “một đốm cháy dù là nhỏ nhất cũng có thể biến thành thảm họa”, nhất là đối với một vấn đề có quá nhiều yếu tố đan xen và chồng chéo như giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.