1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hy Lạp: Tạm gác nỗi lo nợ nần, đối mặt với chia rẽ nội bộ

Ngày 20-8, Hy Lạp đã thanh toán khoản nợ đáo hạn 3,2 tỷ euro (tương đương 3,56 tỷ USD) cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Hy Lạp đã trả khoản nợ đáo hạn trên sau khi nhận được khoản giải ngân bằng tiền mặt trị giá 13 tỷ euro từ chương trình cứu trợ mới cho xứ sở thần thoại ngày 20-8, chỉ một ngày sau khi Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) thông qua gói cứu trợ quốc tế thứ ba dành cho Athens.

Trong số 13 tỷ euro mà Hy Lạp mới nhận được, khoảng 12 tỷ euro sẽ được dùng thanh toán một phần nợ, gồm một khoản vay ngắn hạn trước đó và trái phiếu chính phủ đáo hạn của Hy Lạp do ECB cung cấp, trong khi số còn lại sẽ để thanh toán các khoản trả chậm cho chủ nợ trong lĩnh vực công.

Ngoài khoản tiền mặt trên, 10 tỷ euro nữa cũng đã được gửi tới một tài khoản riêng rẽ dưới hình thức ngân phiếu của ESM, và khoản này sẽ được dùng để giúp ổn định khu vực ngân hàng của Hy Lạp.

Hy Lạp: Tạm gác nỗi lo nợ nần, đối mặt với chia rẽ nội bộ - 1

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos (bên trái) và Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin thảo luận về gói cứu trợ thứ ba cho Athens. (Ảnh: AP)

Trước đó, quốc hội các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức, cũng đã "bật đèn xanh" cho gói cứu trợ trị giá lên đến 86 tỷ euro (tương đương 95 tỷ USD) trong vòng 3 năm cho Athens.

Dù gói cứu trợ thứ ba đã giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ mất khả năng thanh toán, nhưng giới phân tích nhận định đây mới chỉ là bước khởi đầu. Thời gian sắp tới mới là giai đoạn cam go và đầy thử thách đối với chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras, khi mà Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp cải cách khắc khổ mới theo đúng cam kết với các chủ nợ quốc tế.

Kinh tế Hy Lạp đã kiệt quệ và người dân đã chịu cảnh khốn khó suốt 5 năm qua do các chính sách chi tiêu thắt chặt của chính phủ để đổi lấy hai gói cứu trợ quốc tế trước đó với tổng trị giá 240 tỷ euro.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong vòng 10 năm tới, gánh nợ công của Athens sẽ trở nên nặng nề hơn nhiều. Dự báo, năm 2016, nợ công của Hy Lạp sẽ tăng vọt lên ngưỡng 200% GDP so với dự báo 177% trước đó. Đến năm 2022, nợ công của nước này sẽ vẫn ở mức 170% GDP…

Do đó, công việc đầu tiên mà chính phủ của Thủ tướng Tsipras phải làm là thông qua luật ngân sách bổ sung trong thời gian còn lại của năm nay và đưa ra chiến lược tài khóa trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mức thâm hụt ngân sách cơ bản chỉ ở mức 0,25% GDP năm 2015, đạt thặng dư ngân sách ở mức 0,5% trong năm 2016, sau đó tăng lên 1,75% năm 2017 và lên 3,5% vào năm 2018.

Để có thêm nguồn lực tài chính, Athens phải thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng, thậm chí có phần khắc nghiệt trong lĩnh vực lương hưu, chính sách thuế, năng lượng, thị trường bán lẻ, giao thông vận tải, thị trường lao động và khu vực tài chính...

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Chính phủ của Thủ tướng Tsipras phải đối mặt chính là sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Syriza cầm quyền.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Panagiotis Lafazanis, người trước đó đã bị Thủ tướng Tsipras đưa ra khỏi chính phủ vì bỏ phiếu chống thỏa thuận cải cách đổi lấy cứu trợ, đã cùng với 13 nghị sĩ thuộc Đảng Người Hy Lạp độc lập tuyên bố sẽ thành lập tổ chức chính trị mới và phát động phong trào phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” mới trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 16-8, Đảng Xã hội chủ nghĩa toàn Hy Lạp thuộc phe đối lập cũng tuyên bố kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Tsipras do đã ký kết với các chủ nợ một thỏa thuận “gây thiệt hại” cho đất nước.

Trong bối cảnh trên, Thủ tướng Tsipras cho biết, ông không loại trừ khả năng tổ chức bầu cử trước hạn nếu như ông không giành được đa số ủng hộ tại Quốc hội để thực thi các cam kết cải cách với các chủ nợ quốc tế. Theo dự kiến, ông Tsipras sẽ đưa ra quyết định về khả năng bầu cử sớm này vào tuần tới.

Theo Bình Nguyên

Quân đội Nhân dân

Hy Lạp: Tạm gác nỗi lo nợ nần, đối mặt với chia rẽ nội bộ - 2