“Huyền thoại” về vũ khí laser
Vào những năm cuối của chiến tranh lạnh, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã có những nỗ lực phát triển vũ khí laser định vị vệ tinh hòng đối phó với các tên lửa tầm xa của Liên Xô, nhưng nó chỉ có thể làm bong tróc, hư hao phần... vỏ bọc bên ngoài chứ không thể phá hủy các tên lửa đạn đạo. Không thể chặn tên lửa nhưng nó có thể là vũ khí không giết người.
Phát kiến đầu tiên thuộc về Phòng Nghiên cứu quốc gia Los Alamos với loại tia sáng có tên PIKL (Pulse Implosive Kill Laser) vào năm 1992. Loại tia này có thể đốt cháy những vật chất rắn như áo giáp chống đạn hay cửa sắt. Nếu mục tiêu là con người, tùy cường độ có thể gây cháy quần áo hoặc gây bong tróc cơ và tê liệt bộ phận. Ở cường độ nhỏ hơn, nó có thể được phóng đi như một luồng hơi không nguy hiểm về tính mạng, nhưng đủ mạnh để làm bất tỉnh hay gây tê liệt bộ phận cơ thể con người, và có thể được khai thác như loại vũ khí chuyên dụng cho việc tấn công các đám đông bạo loạn. Nhiều năm qua, các nhà khoa học Phòng Nghiên cứu Mission Research ở California đã miệt mài với dự án trên và cuối cùng họ đã giành được hợp đồng từ Bộ Quốc phòng Mỹ về tia PCL (Pulse Chemical Laser) vào năm 1998.
Laser EMP
Một đột phá khác được ra đời vào năm 2000, đó là loại xung điện từ EMP (Electro-Magnetic Pulse), một dạng tia laser có cường độ yếu, có thể gây tổn thương thể chất cho vật thí nghiệm, nhưng nếu kéo dài cũng có thể gây bất tỉnh và tử vong. Các nhà khoa học đã phát hiện trong tia EMP một luồng năng lượng cực nóng, có thể gây sốc, đau đớn cực độ.
Hiện tại, Ban Quản lý vũ khí không chết người (JNLWD) thuộc thủy quân lục chiến Mỹ đang đảm trách việc nghiên cứu và thực thi các dự án trên, có khả năng vào năm 2007. Lực lượng lính thủy đánh bộ hiện đang tập trung vào khả năng sát thương và các ứng dụng khác của loại vũ khí này, trong đó chủ yếu là khả năng điều chỉnh cường độ của tia EMP để dễ dàng kiểm soát khả năng gây tổn thương ở nhiều mức độ.
Vẫn theo tướng J. Alexander, một hạn chế trong mục tiêu sát thương cơ thể là xung điện tỏa ra bởi sức nóng plasma có thể để lại hậu quả lâu dài về thể chất. Tuy nhiên, các chuyên gia ở phân ban nghiên cứu hải quân và ĐH Florida (Gainesville) hy vọng vấn đề sẽ được khắc phục vào cuối năm nay. Theo chuyên gia Martin Richardson ở Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng laser thuộc ĐH Florida thì hoàn toàn có khả năng điều chỉnh tác hại loại vũ khí mới này.
Năm 2000, tướng Harry Moore ở Cục Tư lệnh Vũ trang và Tự động học đã kiểm tra các thử nghiệm tác hại, qua đó phác thảo khả năng kiểm soát mức độ sát thương. Tướng Moore cho biết khả năng ứng dụng của các loại tia laser nói trên có thể bao gồm các trận chiến trong thành phố, trang bị cho lực lượng hành pháp và thậm chí các đơn vị đặc nhiệm chống bạo loạn. Đây là thế hệ tiếp theo của giải pháp kiểm soát đám đông thay cho loại súng nước và đạn cao su.
Dễ bị lạm dụng
Mục tiêu là như thế nhưng tướng Moore cũng nhìn nhận rằng, nếu lạm dụng trên mục tiêu con người, các tia laser có thể là loại vũ khí rất ác hiểm, vì sẽ gây ra các tổn thương vĩnh viễn về thần kinh, thị giác và các cơ quan thuộc lục phủ ngũ tạng. Khi gia tăng cường độ, nó sẽ được phóng đi với tốc độ ánh sáng, ngay lập tức đốt cháy quần áo đối tượng; hay ở cường độ thấp hơn cũng có thể làm tê liệt mục tiêu từ xa 2 km. Quá trình khai hỏa có thể còn tạo ra một xung điện từ cực mạnh với các bước sóng siêu âm, gây đau dữ dội cho các bộ phận cơ thể và thậm chí có thể làm cho đối tượng mất cảm giác và bất tỉnh.
Trong thực tế, các loại tia laser là vũ khí rất ác hiểm, một khi nó bị lạm dụng sẽ gây ra các tổn thương vĩnh viễn về thần kinh, thị giác và các cơ quan thuộc lục phủ ngũ tạng. Như thế nói là không giết người nhưng thật sự cũng chẳng nhân từ gì.
Dụng cụ tra tấn nguy hiểm Rõ ràng là khả năng ứng dụng tiềm tàng của tia laser hết sức lợi hại. Song, điều khiến các chuyên gia quan ngại là nguy cơ lạm dụng của loại vũ khí mới này, vì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và không kém phần phức tạp và có thể được sử dụng như công cụ tra tấn cực kỳ ác hiểm không để lại dấu vết trên cơ thể”. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế thì nguy cơ lạm dụng sẽ rất cao. Các công cụ tra tấn điện từ và gây mê đã phát triển khá phổ biến và lan rộng tại các quốc gia. Họ đã phát hiện rằng nhiều quốc gia đang sử dụng các loại vũ khí gây tê như công cụ tra tấn cực hình. Vào những cơ phận nhạy cảm trên cơ thể nạn nhân, như mặt, háng, các ngón chân, miệng và tai, bộ phận sinh dục và cả cơ quan trực tràng (phía trong hậu môn). Chuyên gia A. Scoott của tổ chức trên cho biết thêm: “Tác hại tạm thời của việc tra tấn bằng loại công cụ này thường là gây đau dữ dội, mất khả năng kiểm soát cảm giác, buồn nôn, co giật, choáng ngất, mất khả năng kiểm soát bài tiết, tiêu hóa, có thể giết chết đối tượng do gây ngưng tim. Đặc biệt, hậu quả lâu dài sẽ rất nguy hiểm, có thể gồm co thắt cơ, bất lực, tổn thương răng miệng, sẹo vết trên da, rụng tóc cũng như rối loạn và san chấn tâm lý, trầm cảm nặng, lo âu kinh niên, mất trí nhớ và rối loạn giấc ngủ... Tác hại của loại dụng cụ sốc điện cũng có thể gây tử vong tiềm tàng do mất khả năng hệ tuần hoàn, teo cơ tim...”. |