Nick Út vẫn xúc động khi nhớ lại thời khắc bấm máy bức “Em bé Napalm”
(Dân trí) - Hơn 43 năm đã trôi qua, nhưng với nhiếp ảnh gia Nick Út thời khắc bấm máy để chụp bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng thế giới vẫn là 1 kỉ niệm đẹp, đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của ông.
Trở về Việt Nam tại cuộc triển lãm ảnh mang tên : “Việt Nam – Cận cảnh cuộc chiến” của hãng thông tấn AP, nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út đã có những giây phút trải lòng với bức ảnh “Em bé Napalm” mà ông đã bấm máy chụp cách đây 43 năm. Gần một nửa thế kỉ đã trôi qua, chiến tranh cũng đã lùi sâu vào dĩ vãng nhưng những cảm xúc của một nhà báo chiến trường vẫn vẹn nguyên nỗi sợ hãi, kinh hoàng khi đối diện với nỗi đau chiến tranh của đồng bào, dân tộc.
“Đó là ngày 8.6.1972 khi tôi tới quốc lộ 1 ở Tràng Bảng, Tây Ninh, tôi vẫn nhớ như in đó là một mùa hè đổ lửa với những trận đánh lớn nhất ở miền Nam, Việt Nam. Khi mà tôi ở đó thì đã chụp được rất nhiều cảnh những người đàn bà bỏ chạy trên quốc lộ 1. Tôi ở đó mấy tiếng đồng hồ và định trở về Sài Gòn, vì lúc đó nhìn đồng hồ lúc đó gần 12h trưa.
Con đường quốc lộ 1 khi đó rất nguy hiểm vì bị bắn xẻ dữ dội, tôi đang định lên xe về thì thấy một người lính ngụy Sư đoàn 25 quăng lựu đạn ngay khu vực chùa Cao Đài. Lựu đạn nổ, khói bốc lên thì ngay lập tức có tiếng của hai chiếc phi cơ bay tới. Chiếc phi cơ thứ nhất nhào xuống thả mấy trái bom cách chỗ tôi đứng hơn 100 thước, 1 phút sau 1 phi cơ tiếp theo thả cùng lúc 4 trái bom, tôi biết đó là bom napalm, khi bom nổ tôi nhìn thấy lửa bốc cháy dữ lắm nhưng tôi không nghĩ còn người dân Việt Nam của mình trong thị xã đó ở đó bởi tưởng mọi người đã đi sơ tán hết rồi.Bất ngờ khi bom nổ có mấy đứa bé tầm 5, 7 tuổi đang chơi nhảy dây gần đó hét toáng lên có bom nhưng không chạy kịp. Cô bé Kim Phúc bị bom làm cháy hết quần áo, nên em vừa chạy vừa cởi đồ vì nóng quá, vừa chạy vừa hét: “Nóng quá, nóng quá”.
Nick Út nhớ lại: "Không kịp nghĩ gì nhiều, tôi đã bỏ máy ảnh ra và mượn 1 chiếc áo để che cho cô bé và chở cô bé trên xe hơi của tôi chạy 1 tiếng về đến bệnh viện Củ Chi. Tuy nhiên khi về đến đó thì người của bệnh viện thông báo đã quá tải người và không còn cách nào để cứu đứa bé… Họ bảo tôi chuyển cô bé lên bệnh viện Nhi Đồng ở Sài Gòn. Kim Phúc khi ấy đau và hoảng hốt, tôi tính toán nếu về đến Sài Gòn thì sợ cô bé không còn sống nữa nên đã dùng thẻ nhà báo làm ở AP của mình để nhờ bệnh viện cho cô bé ở lại cấp cứu ngay. Tôi đã bảo nếu cô bé này mà chết thì chúng tôi sẽ đăng báo, thấy thế nên bệnh viện đã chấp nhận cho ở lại”.
Việc chụp khoảnh khắc cô bé Phan Thị Kim Phúc trong tình trạng “trần truồng” chạy bom, Nick Út chia sẻ: “Dự định của tôi là chụp nốt tấm ảnh khi mà chiếc phi cơ thả 4 trái bom napalm lúc đó, và hoàn toàn cũng không biết mấy đứa trẻ kia lại lọt vào ống kính của mình. Ngày đó máy chụp hình lại không phải như bây giờ để có thể xem lại được luôn những bức hình mình chụp mà phải mang về tráng phim thì mới thấy được. Khi mà tôi nhìn thấy tấm hình đó, tôi đã rất bất ngờ, xúc động ôm tấm hình này. Tuy nhiên người biên tập đã không duyệt bức ảnh này vì bảo em bé... "trần truồng" quá.
Bẵng đi 1 thời gian, sếp của tôi đã thấy bức hình và hỏi ai chụp, mọi người bảo Nick Út chụp, ông có hỏi: “Tại sao không gửi bức hình đi mà còn để đây?”. Người biên tập của tôi đã bảo sợ không đăng được vì em bé "trần trụi quá" đi thì sếp của tôi đã bảo: “Đây là tai nạn chiến tranh nên phải dùng”. Ngay lập tức bức ảnh được mang đi gửi từ Sài Gòn qua Tokyo, Bắc Kinh và đến New York. Sau 1 tiếng bên phía New York đã nhận được và gọi điện về cho tôi sau đó nó được đăng trên toàn thế giới ở các trang bìa và liền mấy ngày sau đó báo chí nói về tình hình sức khỏe của của Kim Phúc. Bức ảnh chụp em bé Napaml được mọi người đón nhận và từ đó dấy lên nhiều cuộc biểu tình tình chống Mỹ từ Napal qua hết các nước Âu Châu…”
Tính đến thời điểm hiện tại bức ảnh: “Em bé Napalm” vẫn là tác phẩm báo chí thành công nhất của Nick Út bởi những giá trị to lớn của nó. Bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer năm 1973 và xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. Chính bức ảnh đã có tác động tích cực đối với nhân loại để có những biểu tình lớn ở các thành phố như: New York, London, Tokyo… phản đối, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Thời gian trôi qua, cô bé 9 tuổi Kim Phúc ngày nào giờ đã là đại sứ hòa bình của Unesco và thường xuyên có những cuộc hội ngộ với Nick Út. Ông chia sẻ: “Vui lắm khi thấy cô bé ấy trưởng thành và sống hết mình đấu tranh cho nền hòa bình của thế giới. Giờ Kim Phúc gặp tôi vẫn gọi tôi là ba xưng con, với tôi, cô bé cũng là một đứa con thật đặc biệt”.
Một số bức ảnh trưng bày tại triển lãm: "Việt Nam- cận cảnh cuộc chiến":
Phạm Oanh (ghi)