1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hungary ngả sang Nga, Mỹ bồn chồn

Lo ngại mối quan hệ gần gũi giữa Budapest và Moskva, giới chức Mỹ đang cố tìm cách ngăn cản Hungary bán cổ phần trong một công ty năng lượng của Croatia cho tập đoàn Gazprom (Nga).

Trước đó, chính quyền Mỹ đã có các bước đi hiếm thấy, khi liệt 6 quan chức của Hungary - đồng minh của NATO và là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào danh sách đen khi nhập cảnh vào Mỹ, với cáo buộc tham nhũng. Về mặt công khai, Washington chỉ trích cái gọi là những sai lầm trong chính sách của Thủ tướng Viktor Orban - từ việc sa thải các thẩm phán, áp thuế cao đối với các ngân hàng nước ngoài và mới đây là đề xuất tăng thuế sử dụng Internet được xem là nguyên nhân chính của các cuộc biểu quy mô lớn mấy ngày gần đây.
 
Thủ tướng Viktor Orban (trái) tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: EPA)
Thủ tướng Viktor Orban (trái) tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: EPA)

Nhưng điểm nổi bật nhất là việc Washington đặc biệt quan ngại đến quan hệ ngày càng mật thiết giữa Hungary với Nga trong lĩnh vực năng lượng, điều có thể làm phương hại đến các nỗ lực của phương Tây trong áp đặt cấm vận chống Moskva liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine.

Kể từ tháng 9 vừa qua, Hungary đã dừng bơm khí đốt sang Ukraine, tách mình khỏi những nỗ lực chung của EU ủng hộ Kiev trước việc bị Moskva phong tỏa khí đốt. Không những vậy, chính quyền của ông Viktor Orban còn tái khẳng định cam kết sẽ tham gia vào tuyến đường ống “Dòng chảy phương Nam” do Nga làm chủ - một dự án mà cả Mỹ và EU đều ra mặt phản đối. Lo ngại lại càng tăng, khi giờ đây có thông tin cho rằng công ty năng lượng MOL của Hungary sẽ bán 49% số cổ phẩn trong INA - tập đoàn năng lượng lớn nhất của Croatia, cho đối tác Nga, mà nhiều khả năng sẽ là Gazprom.

Việc chi phối INA sẽ giúp Gazprom có được điểm đứng chân chiến lược ngay trong lòng EU – đối tác hiện là khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Nga. Bản thân tập đoàn này cũng công khai bày tỏ ý định muốn thôn tính INA. Còn MOL thì nói rằng bán cổ phần ở INA là một lựa chọn đúng.

Giới ngoại giao phương Tây cho rằng, Hungary đã đẩy mạnh các bước đi ngả sang Nga trong vài tháng trở lại đây. Chính quyền của thủ tướng Orban liên tục có những xung đột với Brussels về những chính sách trong nước và nhiều năm qua đã theo đuổi cái gọi là “mở cửa sang phương Đông” - tức xây dựng mối quan hệ thân thiết với Nga và các quốc gia châu Á. Bản thân ông Orban cũng đã công khai bày tỏ mong muốn xây dựng một “Nhà nước không hào nhoáng”: có tự do, nhưng đặt giá trị dân tộc lên trên hệ tư tưởng dân chủ kiểu phương Tây.

Ba Lan, Slovakia, Hungary là ba nước thuộc EU có “trách nhiệm” bơm khí cho Ukraine đề bù vào mức sản lượng thiếu hụt do Nga cho “đóng van” từ hồi tháng 6. Thế nhưng đến tháng 9, Hungary đã ngừng việc hỗ trợ này – quyết định được đưa ra chỉ 3 ngày trước khi Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller có chuyến thăm tới Budapest và được đích thân ông Orban đón tiếp.

Những diễn biến trên đã khiến Mỹ không thể ngồi yên. Amos J. Hochstein, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề năng lượng, tháng trước đã có chuyến thăm tới Budapest để thảo luận về các nội dung liên quan đến việc Hungary tham gia dự án “Dòng chảy phương nam”. Liền sau đó, một phái đoàn nghị sĩ Mỹ cũng đã tới Zagreb, với mục đích lobby chính quyền Croatia không để INA rơi vào tay Gazprom. Đó có thể là lý do mà INA và MOL hiện còn nhiều bất đồng liên quan đến việc mua bán cổ phiếu này.

Theo Hoài Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm