1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hơn một triệu người Pháp xuống đường biểu tình

Hơn 1 triệu người đã tràn ra các đường phố trên khắp nước Pháp trong một cuộc biểu tình phản đối luật lao động mới có quy mô lớn nhất kể từ ngày 11/3. Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra tại Paris.

Paris và nhiều thành phố khác đã triển khai hàng nghìn cảnh sát để ngăn chặn bạo lực tái bùng phát như các cuộc biểu tình trước. Tuần hành đã diễn ra trên nhiều thành phố và thị trấn.

 

Xung đột bạo lực đã xảy ra trước điện Cộng hòa tại thủ đô Paris - nơi những người biểu tình ném gạch, chai lọ, bom xăng vào cảnh sát khi họ dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán những đám đông.

 

Tuy nhiên, đa số những người biểu tình vẫn tuần hành hòa bình.

 

"Chúng tôi phải bảo vệ những quyền mà tổ tiên đã giành được nhưng chính phủ hiện nay đang nhăm nhe lấy đi", Maxime Ourly, một sinh viên văn học tại Paris, nói.

 

Đạo luật lao động mới sẽ cho phép các công ty sa thải những người dưới 26 tuổi mà không phải giải thích trong 2 năm làm việc đầu - một điều khoản mà sinh viên và nghiệp đoàn cho rằng sẽ làm cho lao động trẻ dễ bị mất việc làm hơn.

 

Nhưng thủ tướng Dominique de Villepin cho rằng sự linh hoạt lớn hơn sẽ khuyến khích các công ty thuê lao động trẻ - những người đang phải hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp 22%, cao nhất tại Tây Âu.

 

Hôm nay, Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy đã kêu gọi huỷ bỏ đạo luật lao động mới - một động thái trái ngược với ông Villepin.

 

Nỗ lực cải cách mạnh mẽ của ông Villepin cho thấy thế bế tắc mà nhiều nước châu Âu - nơi mà tình trạng bảo vệ lao động và hệ thống an sinh xã hội đang bị đe dọa bởi sự cạnh tranh từ những nền kinh tế châu Á mới nổi với nguồn lao động rẻ hơn và ít chính sách bảo hộ hơn - đang phải đối mặt.

 

Những người biểu tình tại Paris cho biết họ muốn duy trì những chính sách bảo vệ người lao động như hiện nay.

 

"Chúng tôi ở đây vì con cái chúng tôi. Chúng tôi không biết rồi điều gì sẽ xảy ra với chúng", Philippe Decrulle, một tiếp viên hàng không của hãng Air France, nói. "Con trai tôi 23 tuổi và không có việc. Điều này là bình thường ở Pháp".

 

Cơn mưa nhẹ không làm nguội bớt đi không khí cuồng nhiệt của những người biểu tình, với cờ và bóng bay phấp phới phía trên đầu những người tuần hành. Các cửa hàng mở cửa bán xúc xích cho người biểu tình.

 

Nhiều người Pháp, vốn quá quen với những cuộc biểu tình không thường xuyên, đã đối phó bằng cách đi nghỉ hoặc dùng xe hơi riêng để đi làm. Với số lượng xe quá lớn trên đường, tình trạng tắc nghẽn giao thông trên các đường cao tốc ở ngoại ô Paris ngày hôm nay cao gấp đôi mức bình thường, trung tâm thông tin cao tốc quốc gia Pháp cho biết.

 

Cuộc đình công hôm nay khiến cho các quầy bán báo cũng không có nhật báo để bán. France-Info, đài phát thanh quốc gia Pháp và cũng là nguồn tin hàng ngày quan trọng của người dân, hôm nay chỉ phát nhạc. Kênh truyền hình France-2 phát chương trình buổi sáng trong một studio nhỏ hơn thường lệ do một số kỹ thuật viên đã tham gia đình công.

 

Chỉ có rất ít tàu, máy bay, tàu điện ngầm và xe bus hoạt động hôm nay. Đây là lần đầu tiên công đoàn kêu gọi tuần hành bày tỏ tình đoàn kết với sinh viên trong việc phản đối đạo luật lao động mới.

 

5 lãnh đạo cao nhất của liên đoàn lao động Pháp đã từ chối lời mời gặp mặt của Thủ tướng Villepin vào ngày 29/3. Họ yêu cầu ông cần phải huỷ bỏ đạo luật lao động mới trước khi có bất kỳ thương lượng nào.

 

Theo Việt Linh

Vnexpress/AP