Hơn 1.000 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Bangladesh
(Dân trí) - Bangladesh đang trải qua đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong lịch sử với hơn 1.000 ca tử vong trên tổng số hơn 200.000 bệnh nhân kể từ đầu năm.
Theo dữ liệu thống kê kể từ đầu năm đến tháng 9, Bangladesh ghi nhận 1.017 người chết vì sốt xuất huyết, gấp gần 4 lần so với cả năm ngoái.
Tính từ đầu năm, Bangladesh có tổng cộng gần 209.000 ca sốt xuất huyết. Đây là đợt dịch tồi tệ nhất trong lịch sử ngành y tế nước này kể từ đợt dịch đầu tiên được ghi nhận vào năm 2000.
Có 112 ca tử vong là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, bao gồm cả trẻ sơ sinh.
Các bệnh viện ở Bangladesh đang chật vật tìm chỗ cho bệnh nhân khi sốt xuất huyết lây lan với tốc độ chóng mặt ở quốc gia Nam Á đông dân này.
Sốt xuất huyết là một căn bệnh đặc hữu ở các vùng nhiệt đới, gây sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất là chảy máu có thể dẫn đến tử vong.
Không có vaccine hoặc thuốc đặc trị cho bệnh sốt xuất huyết. Trước đây, Bangladesh và các nước Nam Á thường bùng dịch trong khoảng tháng 6 đến tháng 9 do muỗi vằn sinh sôi ở vùng nước tù đọng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các bệnh viện ở Bangladesh cũng bắt đầu tiếp nhận các ca sốt xuất huyết trong những tháng mùa đông. Những ca tái nhiễm thường mang nguy cơ biến chứng cao hơn.
Mohammad Rafiqul Islam, bác sĩ tại Bệnh viện và Cao đẳng Y tế Shaheed Suhrawardy ở Dhaka, cho biết hầu hết bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện của ông đều đã tái nhiễm sốt xuất huyết lần thứ hai hoặc thứ ba.
"Khi tái nhiễm sốt xuất huyết càng nhiều, lần thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, mức độ càng nặng. Tỷ lệ tử vong cũng cao hơn", bác sĩ cho biết.
Ông Islam nói: "Nhiều bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã biến chứng nặng. Lúc này việc điều trị càng trở nên phức tạp".
Thời gian qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo bệnh sốt xuất huyết và các loại bệnh do virus lây truyền qua muỗi gây ra, như chikungunya, sốt vàng da và virus Zika, đang gia tăng tốc độ lây nhiễm do biến đổi khí hậu.