1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hội nghị về khí hậu: Nhóm họp ở Mexico, hy vọng đặt tại Nam Phi

(Dân trí) - Một năm sau thất bại tại Copenhagen, gần 200 nước tiếp tục họp tại Cancun, Mexico với cùng mối lo chung về biến đổi khí hậu và cả nỗ lực bảo vệ lợi ích riêng, nên mọi hy vọng dường như hướng về Nam Phi - nơi diễn ra hội nghị tiếp theo.

 
Hội nghị về khí hậu: Nhóm họp ở Mexico, hy vọng đặt tại Nam Phi - 1

Cái chai khổng lồ được dựng trên trên bãi biển Cancun ghi hàng chữ "Khẩn cấp : Hãy cứu mạng người tại Cancun".

Không có “giải pháp nhiệm màu”

Từ ngày 29/11 đến 10/12, các nhà đàm phán và sau đó là bộ trưởng môi trường và năng lượng của các nước sẽ tìm những giải pháp đồng thuận và tiến bộ nào đó, giúp cho Trái đất bớt bị tác hại vì biến đổi khí hậu, mà khí thải CO2 là một trong những thủ phạm.

Cách đây một năm, thoả thuận Copenhagen đã đưa ra mục tiêu là kìm hãm mức tăng nhiệt độ ở khoảng 2 độ C, nhưng những cam kết giảm khí thải mà các quốc gia đưa ra không cho phép đạt mục tiêu này.

Theo quan chức đặc trách nhiệm về khí hậu của Liên hợp quốc, bà Christiana Figueres, bài học thất bại hồi năm ngoái cho thấy là không có “giải pháp nhiệm mầu”. Do vậy, từ nay, tiến trình đàm phán với sự tham gia của các đại diện đến từ gần 200 nước sẽ được “tiến hành từng bước, xây dựng từng thỏa thuận nối tiếp nhau”.

Tuy nhiên, một bản báo cáo của Liên hợp quốc chứng minh rằng nhân loại không thể điềm nhiên ngồi nhìn. Năm 2010 có lẽ là năm ấm nhất từ trước đến nay, với việc nhiệt độ đại dương tăng mạnh khiến cho số san hô nhiệt đới bị chết lên đến mức kỷ lục, nạn hạn hán và nắng nóng dữ dội hoành hành ở Nga, lụt lội trên diện rộng chưa từng có ở Trung Quốc, Pakistan... Tất cả các sự kiện này chứng tỏ khí hậu biến đổi rất mạnh.

Hôm 25/11, Tổ chức Liên hợp quốc về Thương mại và Phát Triển (UNCTAD) công bố báo cáo thường niên cho biết hiện tượng thay đổi khí hậu và biến động bất thường của thị trường nguyên liệu đe doạ các nước nghèo. Theo báo cáo, nhiệt độ trung bình của thế giới tăng 1°C sẽ kéo theo tỷ lệ tăng trưởng GDP của những quốc gia này giảm từ 2 đến 3 điểm. Khí hậu càng ngày càng diễn biến bất thường. Từ năm 2000 đến năm 2009, bão lụt, hạn hán đã tăng 5 lần so với giai đoạn 1970-1979, gây thiệt hại lên đến 14,1 tỷ USD.

Nếu không có biện pháp ngăn chận khí thải CO2, trong tương lai, GDP thế giới sẽ giảm từ 5% đến 15% mỗi năm. Lượng khí thải CO2 vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp sự suy thoái kinh tế... Các nhà khoa học đã nêu bật sự cần thiết phải hành động khẩn cấp. Chúng ta không thể kéo dài thêm 5 năm nữa mới ký kết thỏa thuận.

Mỹ-Trung, nút thắt cần tháo gỡ

Cancun lần này phải là nơi liên kết các quốc gia gây áp lực để Trung Quốc và Mỹ, hai nước thải khí gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, phải cố gắng giảm thiểu lượng CO2. Chỉ hai nước lớn này thôi đã sản xuất đến 40% khí gây hiệu ứng nhà kính.

Mỹ muốn có một thoả thuận mang tính chất ràng buộc, và có thể kiểm tra được. Bắc Kinh thì không muốn, và vẫn nêu quan điểm truyền thống, muốn các quốc gia công nghiệp phát triển phải đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm khí thải, chống khí hậu hâm nóng, cho dù Trung Quốc cũng công nhận là họ đã vượt qua Mỹ trong việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Mỹ đang ở vào thế khó khăn do việc những người chống đối luật về khí hậu đang trở lại Quốc hội Mỹ. Đối với các nghị sĩ đảng Cộng hoà, không có chuyện giảm khí thải, họ vẫn bác bỏ quan điểm là chính hoạt động con người đã gây nên hiệu ứng nhà kính. Dư luận Mỹ cũng đang thay đổi quan điểm. Nếu vào năm 2006, 50% người được hỏi đánh giá là hoạt động con người gây ra hiện tượng khí hậu hâm nóng, thì bây giờ chỉ còn 1/3 là nghĩ như thế mà thôi. Một số ý kiến cho rằng hội nghị này có thể sẽ không mang lại kết quả gì do vẫn chịu nhiều sự chi phối của những diễn biến trên chính trường Mỹ.

Không ít phân tích cho rằng nhìn chung, các nước đều muốn bảo vệ quyền lợi của mình, do đó sẽ không nhượng bộ trên vấn đề khí thải. “Thế giới có thể đạt được một thỏa thuận về khí hậu hay không ? Câu trả lời có lẽ là không nếu nhìn vào thái độ hoài nghi, e dè, chần chừ của số 194 quốc gia tham gia Hội nghị” một tờ báo Pháp viết, “… cho dù những người tập hợp tại Cancun đều muốn tránh đưa ra hình ảnh một cuộc thất bại mới, một năm sau Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen”.

Vẫn theo ý kiến này, những tranh cãi diễn ra tại Hội nghị Côpenhaghen cuối năm 2009 đã khiến cộng đồng quốc tế khá thất vọng và giờ đây, họ cũng không mấy trông chờ vào kết quả của Hội nghị lần này. Mọi sự quan tâm, chú ý có chăng phải đợi đến năm 2011 khi một Hội nghị tương tự sẽ được tổ chức tại Nam Phi.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm