1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hội nghị Geneva về Syria khai mạc trong bất đồng sâu sắc

(Dân trí) - Các bên tham gia Hội nghị quốc tế lần thứ hai về Syria đã không ngần ngại đưa ra những tuyên bố chỉ trích mang nặng tính đối đầu ngay trong ngày họp đầu tiên ở Thụy Sĩ.

Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại cuộc đàm phán ở Montreux.

Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại cuộc đàm phán ở Montreux.

Ngay trong ngày khai mạc hội nghị tổ chức tại Montreux, Thụy Sĩ, các phe phái tham chiến ở Syria đã thể hiện rõ sự bất đồng sâu sắc khi chính quyền Syria gọi phe đối lập là "những kẻ phản bội", trong khi phe đối lập tuyên bố không đàm phán về việc Tổng thống Bashar al-Assad tại vị.

"Nếu phe đối lập muốn nhân danh người dân Syria thì họ không nên là những kẻ phản bội đất nước hoặc là những đặc vụ nhận lương từ kẻ thù của người dân”, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem nổ phát pháo đầu tiên ngay sau bài phát biểu khai mạc kêu gọi thế giới tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột Syria của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

"Chúng tôi đến đây với tư cách đại diện của người dân cũng như đất nước Syria và mọi người nên biết rằng không ai trên thế giới này có quyền thu hồi tính hợp pháp của tổng thống hoặc chính phủ Syria...ngoại trừ chính bản thân người dân nước này", ông Muallem nói thêm.

Phe đối lập Syria cũng thể hiện sự cứng rắn khi Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria  khẳng định sẽ không đàm phán về việc Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tại vị.

“Mục đích của hội nghị này là để thành lập một chính phủ chuyển tiếp… Chính phủ Syria phải lập tức ký kết thỏa thuận Geneva I và chuyển giao quyền lực của ông Bashar al-Assad, gồm cả quân đội và an ninh, cho chính phủ chuyển tiếp", thủ lĩnh phe đối lập Ahmad đáp trả.

“Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng những phần tử khủng bố của nhóm Hezbollah ở Lebanon và binh lính của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran để đàn áp người dân Syria”, ông nói thêm trong lúc giơ cao bức hình của một em bé bị giết hại để củng cố cho quan điểm của ông.

Các nước tham dự đàm phán cũng thể hiện rõ thái độ bênh vực các bên khác nhau ở Syria, khiến không khí hội nghị càng thêm căng thẳng.

“Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không nằm trong thành phần chính quyền chuyển tiếp tại Syria”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp lời đại diện phe đối lập.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius yêu cầu áp đặt các lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Syria, đồng thời mở hành lang nhân đạo để chuyển hàng viện trợ cho dân thường.

 "Trước diễn biến bạo lực tồi tệ đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn phụ nữ, trẻ em và nhiều người dân vô tội khác, chúng tôi yêu cầu áp đặt một hoặc nhiều hơn các lệnh ngừng bắn, đồng thời mở các hành lang nhân đạo và vận chuyển thuốc men (vào Syria)", ông tuyên bố.

Ngoại trưởng Saudi Arabia, Saud al-Faisal, kêu gọi rút toàn bộ các lực lượng nước ngoài khỏi Syria, trong đó có các tay súng Hezbollah ở Liban và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vốn đang hậu thuẫn chính quyền Damascus chống lại phiến quân.

Bất chấp sức ép của Mỹ và đỏi hỏi của phe đối lập, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zohbi vẫn tái khẳng định Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không từ chức, đồng thời cho rằng việc phương Tây ủng hộ phe đối lập tại Syria không khác nào việc ủng hộ mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

"Một số bài phát biểu nghe như thể người nói ra là đại sứ của các nhóm khủng bố chứ không phải một nước hay chính phủ", ông Omran al-Zohbi nói thêm.

Ngoại trưởng Nga thể hiện thái độ thận trọng hơn khi cho rằng các nỗ lựctrung gian tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria không đơn giản và cũng không thể chóng vánh. Vì vậy, hội nghị là cơ hội lịch sử và tất cả các bên tham gia phải gánh trách nhiệm này.

Bầu không khí bên ngoài hội nghị cũng không kém phần nảy lửa với những bình luận của các bên.

"Thay vì vạch ra một viễn cảnh tương lai tươi sáng cho một nước Syria đa dạng, đa nguyên và tôn trọng quyền của tất cả mọi người, chính quyền Syria lại chọn giọng điệu khoa trương kích động", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ.

Theo bà Psaki, Damascus phải thực thi thỏa thuận Geneva I về việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp và chính quyền Damascus cần có những bước đi cụ thể nhằm tăng cường tiếp cận nhân đạo, cải thiện đời sống của những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo giới phân tích, để có thể đi tới một thỏa thuận ngừng bắn, thiết lập các hành lang nhân đạo và thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria là điều vô cùng khó trong thời điểm này khi quan điểm giữa các bên còn quá cách biệt.

Vũ Anh
Tổng hợp 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm