1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị An ninh Munich 2025: Những bất ngờ khiến châu Âu "rung chuyển"

Ngô Hoàng

(Dân trí) - Hội nghị An ninh Munich 2025 không chỉ đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mà còn là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới trong trật tự thế giới đa cực.

Hội nghị An ninh Munich 2025: Những bất ngờ khiến châu Âu rung chuyển - 1

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) (Ảnh: AFP).

Hội nghị An ninh Munich (MSC) là một trong những diễn đàn an ninh quốc tế quan trọng nhất thế giới, được tổ chức thường niên từ năm 1963. Trải qua hơn 60 năm, diễn đàn này đã trở thành nơi thảo luận rất uy tín về các vấn đề an ninh toàn cầu và là thước đo quan trọng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

MSC năm 2025 được các nhà lãnh đạo cấp cao châu Âu và thế giới cùng giới học giả quốc tế quan tâm đặc biệt, khi diễn ra trong bối cảnh ông Donald Trump vừa trở lại Nhà Trắng và nhanh chóng tạo ra những thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ tác động sâu rộng đến toàn thế giới.

Trong khi cả châu Âu chưa kịp định thần trước cú sốc nặng khi Washington bất ngờ thay đổi cơ bản quan điểm về Ukraine, các nước đồng minh của Mỹ ở "Lục địa già" lại tiếp tục bàng hoàng lo lắng không hiểu điều gì đang diễn ra khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance thẳng thắn phát biểu về một tầm nhìn mới của Mỹ về các vấn đề trọng đại của châu Âu ngày nay và mối quan hệ Xuyên Đại Tây Dương tại Hội nghị An ninh Munich thường niên lần thứ 61 tại thành phố Munich, Đức vào cuối tuần qua (14-16/2).

Bức tranh chung

Hội nghị An ninh Munich vốn thường là dịp để các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các bộ sức mạnh các nước Mỹ và phương Tây và giới học giả quốc tế thể hiện và khuếch trương tinh thần đoàn kết giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu và NATO. Khác với những kỳ họp trước, MSC năm nay phản ánh hết sức rõ ràng và sâu sắc sự rạn nứt và những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu. So với MSC 2024 vốn tập trung vào việc tăng cường đoàn kết ủng hộ Ukraine và MSC 2023 nhấn mạnh sự thống nhất của NATO, hội nghị năm nay đã thể hiện rõ những thay đổi căn bản trong chính sách của Mỹ và phản ứng lo ngại từ các đồng minh châu Âu.

Những nội dung thường lệ

Những nội dung thường lệ của Hội nghị An ninh Munich vẫn được duy trì, bao gồm các thách thức an ninh toàn cầu, quản trị toàn cầu, khả năng phục hồi nền dân chủ, an ninh khí hậu và tiến trình đưa tới hòa bình cho Ukraine. Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh an ninh không chỉ còn là về quân sự và quốc phòng nữa, mà còn bao trùm cả các lĩnh vực xã hội và môi trường.

Hội nghị đã thảo luận về vai trò của châu Âu trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động, trước hết là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra vô cùng quyết đoán trong mục tiêu "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "nước Mỹ trên hết" sau khi trở lại Nhà Trắng và cuộc bầu cử Liên bang trước thời hạn sắp diễn ra ở Đức, trong đó các đảng cực hữu và dân túy đang ngày càng được lòng cử tri.

Chính vì thế, Báo cáo An ninh Munich lần này mang gam màu kém lạc quan hơn; đã đưa ra những nhận định về sự thiếu đoàn kết của phương Tây, thách thức từ tư tưởng cực hữu và dân túy, cũng như xu hướng Mỹ đặt lợi ích vị kỷ lên trên hết. Báo cáo cũng phân tích về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy một "trật tự thế giới đa cực" và vai trò của các cường quốc mới nổi như Ấn Độ, Nam Phi, Nhật Bản, Brazil.

"Bom tấn đã nổ"

Mặc dù vậy, điểm nổi bật nhất của hội nghị năm nay là phát biểu gây chấn động thế giới của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance khi tuyên bố "kẻ thù lớn nhất của châu Âu không phải là Nga, Trung Quốc hay Iran mà là từ bên trong". Ông Vance đã chỉ trích mạnh mẽ các nhà lãnh đạo châu Âu về việc đàn áp tự do ngôn luận, xa rời ý nguyện cử tri và không kiểm soát được làn sóng nhập cư.

Phản ứng từ các nước châu Âu rất đa dạng. Trước hết, Pháp và Đức bày tỏ lo ngại sâu sắc và bất bình với những gì Phó Tổng thống Mỹ đã phát biểu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn kêu gọi tổ chức hội nghị cấp cao bất thường EU-NATO. Ba Lan vẫn duy trì lập trường thân Mỹ và hy vọng đóng vai trò cầu nối. Trong khi đó, các nước Baltic đẩy mạnh Kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng khu vực; riêng Thụy Điển và Phần Lan tập trung vào việc nâng cao năng lực quốc phòng độc lập.

Theo số liệu mới nhất từ NATO, tình hình chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu gần đây đã và đang có sự thay đổi đáng kể. Tuy hiện chỉ có 7 trong số 30 nước thành viên NATO đạt mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, nhưng nhiều nước đã cam kết tăng mạnh trong những năm tới. Cụ thể, Đức đã công bố kế hoạch nâng ngân sách quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2026, trong khi Pháp duy trì mức 2,1%, còn tổng chi tiêu quốc phòng của EU đã tăng 17% so với năm 2023.

"Cú sốc Munich" 2025 như nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã dùng để nói về hội nghị lần này không chỉ đơn thuần là cú sốc do sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đó còn là dấu hiệu của sự kết thúc hoàn toàn "đồng thuận hậu Chiến tranh Lạnh". Theo Báo cáo An ninh Munich 2025, ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai này xem trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu thiết lập từ sau chiến tranh thế giới thứ II là một "Thỏa thuận tồi". Điều này phản ánh một thay đổi căn bản trong nhận thức về vai trò toàn cầu của Mỹ.

Phản ứng từ các cường quốc khác cũng rất đáng chú ý. Nga xem những diễn biến tại MSC như dấu hiệu của sự suy yếu trong liên minh phương Tây. Trung Quốc nhấn mạnh xu hướng đa cực hóa không thể đảo ngược; trong khi Ấn Độ tăng cường quan hệ song phương với EU; còn khối BRICS cũng đẩy mạnh nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mới.

Những hệ lụy nảy sinh

Đối với châu Âu, triển vọng tương lai phía trước có thể diễn ra theo nhiều kịch bản khác nhau. Kịch bản khả quan nhất là các nước EU, đồng thời với việc đẩy nhanh tiến trình tự chủ chiến lược, tăng cường năng lực phòng thủ chung và cải cách cơ chế ra quyết định sẽ cần phải định hình lại mô hình xã hội, thể chế chính trị và giá trị cốt lõi của mình. Tuy nhiên, nguy cơ phân hóa sâu sắc trong nội bộ liên minh EU nói chung và từng nước nói riêng cũng không thể loại trừ.

Điều quan trọng nhất có lẽ là EU cần xác định lại sức mạnh thực sự vốn có và vị thế quốc tế mới hiện nay, đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng nội khối.

MSC 2025 không chỉ đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mà còn là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới trong trật tự thế giới đa cực. Đối với châu Âu, những thách thức hiện tại có thể trở thành động lực để tăng cường đoàn kết và xây dựng năng lực tự chủ thực sự.

Bài học quan trọng từ MSC 2025 cho châu Âu là sự cần thiết phải chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới, trong đó không có sự bảo đảm tuyệt đối từ bất kỳ đồng minh nào và châu Âu không còn những lợi thế chiến lược trước Nga và Trung Quốc như từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.