1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội chứng quan chức tự sát ở Trung Quốc

Trong những năm gần đây, những vụ tự tử trong quan trường Trung Quốc bỗng gia tăng như một hội chứng đáng sợ.

Không chịu nổi áp lực của tòa án lương tâm, một số quan chức tham ô nhũng lạm tự tìm lấy cái chết. Nhưng cũng có một số quan tự sát vì oan ức hay bị hãm hại đến cùng đường.

Trường hợp mới nhất mà báo chí Bắc Kinh đề cập đến nhiều tuần qua là trường hợp của Trương Chu, 52 tuổi, nguyên phó chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Xúc tiến mậu dịch quốc tế Trung Quốc. Ông Trương đã treo cổ nơi gần cửa sổ trong nhà riêng vào ngày 17/8 vừa qua.

Về nguyên nhân tự sát của vị quan chức tương đương cấp thứ trưởng này, cơ quan chức năng cho biết là liên quan đến “áp lực công tác quá nặng nề và trạng thái tinh thần không tốt”. Cũng có tin ông Trương “mắc phải chứng trầm uất, trước khi tự sát 2 ngày đã viết di bút”.
 
Tám năm trước, Trương Chu đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch Khu tự trị Tân Cương. Từ đó về sau “quan vận hanh thông”. Năm 2005, ông được điều về Bắc Kinh làm phó bí thư, phó chủ nhiệm Ủy ban Xúc tiến mậu dịch Trung Quốc. Nhưng ông Trương cảm thấy ở Bắc Kinh chế độ đãi ngộ không bằng Tân Cương, sinh hoạt không quen, khám chữa bệnh bất tiện, nhà ở nhỏ mà ồn ào.

Gần đây Ủy ban Xúc tiến mậu dịch liên tục bị phát hiện nhiều vụ tham nhũng lớn, Trương Chu làm chủ quản công tác cán bộ nên đối mặt với áp lực rất lớn. Ngày Trương Chu tự sát, sáng và chiều còn hội kiến khách nước ngoài, buổi trưa vẫn ở phòng làm việc hoạt động như thường, buổi chiều về nhà còn dặn lái xe tối đến đưa ông đi tham dự một buổi tiệc . Nhưng khi tài xế đến nhà thì phát hiện ông Trương đã treo cổ chết...

Những vụ tự sát chấn động quan trường

Từ vụ tự sát của Trương Chu, một lần nữa dư luận ở Bắc Kinh hết sức quan tâm đến nguyên nhân tự sát của những quan chức cao cấp. Quan chức tự sát đã trở thành một hiện tượng xã hội thu hút sự chú ý của công luận.

Có thể nói khởi điểm của hội chứng tự sát là năm 1994 phó thị trưởng TP Bắc Kinh Vương Bảo Sâm tự bắn vào đầu vì liên quan đến vụ án Trần Hy Đồng. Tháng 12/2000, cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc Lý Phúc Tường nhảy lầu tự sát. Đó là hai quan chức cao cấp nhất lúc bấy giờ chết đi ôm theo những bí ẩn .

Gần đây ở Trung Quốc lại xảy ra khá nhiều vụ tự tử cũng ly kỳ không kém. Ngày 8/8/2006, trước khi cơn bão “Sao Mai” tấn công vào tỉnh Phúc Kiến thì cũng là lúc thi thể của tổng giám đốc Tổng Công ty Thương nghiệp TP Phúc An tỉnh này là Lư Cẩm Cảnh được phát hiện ở Tái Giang.

Người đàn bà họ Lư này nắm trong tay đến 8 công ty lớn, từng nhận danh hiệu “Cờ đỏ 8/3 toàn Trung Quốc”. Nhiều người ở Phúc An nói rằng Lư Cẩm Cảnh tự sát sau khi “được” Cơ quan Kiểm tra kỷ luật địa phương đến “hỏi chuyện”. Từ đó có tin đồn nữ giám đốc này liên quan đến việc sử dụng hàng triệu nhân dân tệ công quỹ chuyển cho chồng ở Thượng Hải buôn bán.

Vào đầu tháng 6 năm nay, nguyên cục trưởng Cục Công thương tỉnh Phúc Kiến là Chu Kim Hỏa đột nhiên mất tích. Giới truyền thông khi thì nói Chu cục trưởng bị bắt ở Nội Mông, khi thì bị bắt ở Vân Nam, nhưng thực tế cho đến nay Chu vẫn là “bóng chim tăm cá”.

Trước đó, trong tháng 1/2006 đã có 3 vụ tự sát gây chấn động dư luận. Đầu tiên là Sử Cửu Vũ - Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Triết Giang - nhảy lầu tự tử. Kế đến, phó cục trưởng Cục Tài nguyên-Đất đai thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc là Triệu Tuấn Văn nhảy qua cửa sổ phòng làm việc trên lầu cao xuống đất. Người thứ ba là phó cục trưởng Cục Nhân sự huyện Đại Túc, thành phố Trùng Khánh là Lý Phúc Đa tự sát tại nhà riêng.

Tháng 12/2005, phó chủ tịch tỉnh Hồ Nam Trịnh Mậu Thanh cắt cổ tay tự sát nhưng không chết. Cũng thời gian ấy phó thị trưởng thành phố Cát Lâm là Vương Vĩ mới nhậm chức không đầy 3 tháng đã treo cổ tự tử trong nhà.

Tháng 8/2005, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang là Từ Phát tự tử bằng cách nhảy từ sân thượng tòa nhà 9 tầng nơi ông ở. Rồi Bí thư Thành ủy TP Thượng Nhiêu - tỉnh Giang Tây là Dư Tiểu Bình treo cổ tự tử trong nhà;

Trưởng chi nhánh ngân hàng Ích Dương là Chu Quốc Huân tự sát trong nhà giam. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam Tạ Ứng Quyền tự sát trong phòng làm việc. Phó trưởng Cục Tư pháp khu Kin Đông, TP Kim Hoa - tỉnh Triết Giang là Vương Kiện Mi nhảy lầu tự sát, phó giám đốc Sở Công an tỉnh Sơn Đông là Vạn Quốc Trung do sợ tội đã tự sát.

Lại có Cục trưởng Công an TP Nhã An, Tứ Xuyên; Cục trưởng Cục Đo lường chất lượng TP Phúc Đỉnh, Phúc Kiến; Cục trưởng Cục Giáo dục Hoành Đông, Hồ Nam, chủ tịch huyện Kinh Xuyên, Cam Túc, cũng đã tự sát...

Dư luận tin rằng hầu hết các quan chức tự sát đều có liên quan đến tham nhũng hủ bại, tự biết mình không thể thoát khỏi pháp luật trừng trị, đành tìm lấy cái chết vì không chịu nổi áp lực tâm lý. Cũng có người giải thích rằng do có ý đồ cắt đứt manh mối điều tra để bảo vệ cho kẻ đã nhận lợi ích từ mình nên họ chọn cách tự sát.

Những vùng nhạy cảm

Quan chức tự sát khiến mọi người chú ý là vì đặc thù về công việc mang tính công cộng của bản thân quan chức. Điều “thú vị đến đau lòng” là tùy môi trường công tác và chức vụ của quan chức mà người ta phân thành những “vùng nhạy cảm” về hủ bại như “khu phát sinh cao”, “khu dễ phát sinh”...

Đa số các quan chức tự sát chủ yếu thuộc các “vùng nhạy cảm” như tỉnh ủy, thị ủy, ủy ban hành chính, ngân hàng, công an, hải quan, kiểm sát, tài nguyên-đất đai, nhân sự...

Do đó phản ứng đầu tiên của người dân đối với quan chức tự sát, chết bất thường nói chung là khẳng định quan chức ấy “có dính dáng đến hủ bại”. Khi hủ bại trở thành một loại giá trị có tính mặc định, mỗi khi một quan chức tự sát liền nghi ngờ về đạo đức. Điều này hằn sâu một cách vô thức vào trí óc của công chúng.

Theo Khoa Nhân
 Người Lao Động