1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài phát biểu của Obama về Libya:

Học thuyết rõ ràng, sứ mệnh mờ ảo

(Dân trí) - Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama về chiến dịch quân sự tại Libya vào tối qua ẩn chứa cả tham vọng lẫn thận trọng.

 
Học thuyết rõ ràng, sứ mệnh mờ ảo - 1


Obama trong bài phát biểu biện hộ cho sứ mệnh quân sự tại Libya.
 

Tổng thống đã khiến Washington ngạc nhiên khi dõng dạc tuyên bố ý tưởng lớn về sức mạnh của Mỹ. Nhưng ông có thể đã làm người Mỹ thất vọng khi hân hoan trước  thách thức vẫn còn đang hiện hữu ở Libya.

 

Obama nói rất rõ ràng về lý do ông chọn can thiệp vào Libya. Obama cho biết, với đội quân bên ngoài Benghazi, nhà lãnh đạo Libya Gadhafi đang chuẩn bị tiến hành “một cuộc thảm sát có thể ảnh hưởng tới khắp khu vực, làm vấy bẩn lương tâm của thế giới”.

 

Tổng thống Mỹ biện luận, đó không chỉ là sự kinh tởm về đạo đức mà còn là tại họa chiến lược, đẩy dòng người tị nạn ồ ạt vào Ai Cập, Tunuisia, làm căng thẳng thêm công cuộc chuyển giao chính quyền vốn đang rất mong manh của họ; sẽ là tiền đề xấu để cho những nhà lãnh đạo khác dùng “bạo lực để bám trụ lấy quyền lực”. Hơn nữa Obama cho rằng, để ông Gadhafi coi thường cả Liên hợp quốc sẽ “làm méo mó tín nhiệm của tổ chức này trong tương lai”.

 

Những lời giải thích trên được nhiều người cho là thái quá và có nhiều điểm cần phải phê phán. Thứ nhất, Liên hợp quốc chỉ đưa ra hành động về Libya sau khi có sự kêu gọi mạnh mẽ của Washington. Obama đã đảo ngược thuyết nhân quả ở đây. Ngoài ra, làn sóng người tị nạn không phải là nhân tố tự thân làm ảnh hưởng cuộc chuyển giao chính trị ở Ai Cập hay Tunisia. Đó là chưa kể đến việc Mỹ hiện còn đang hỗ trợ cho một chính quyền Trung Đông khác (Bahrain) dùng quân đội giải tán những người biểu tình.

 

Vì vậy những điểm trên phần lớn chỉ là bình phong cho ý tưởng lớn hơn của Obama về sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài, vào thời điểm các nhà bảo thủ tỏ ra nghi ngờ không biết liệu Mỹ có còn vai trò đặc biệt, “khác thường” trên thế giới nữa hay không. Và tối qua, Obama đã quả quyết (mà theo nhiều nhà phân tích là gượng gạo): “Suốt nhiều thế hệ, nước Mỹ đã đóng vai trò duy nhất là đầu tàu trong an ninh toàn cầu, ủng hộ cho tự do con người”, Obama nói.

 

Cho phép một cuộc tàn sát xảy ra ở Benghazi sẽ “đẩy trách nhiệm lãnh đạo của nước Mỹ sang một bên. Và…sẽ phản bội lại việc chúng ta là ai”.

 

Cùng lúc, Obama cũng giải thích đây không phải là giấy thông hành để chiến đấu với cái xấu xa ở mọi nơi. “Chúng ta cũng phải luôn tính đến quyền lợi của chúng ta”, Obama nói. Tại Libya Mỹ có “khả năng nổi bật” để hành động, không chỉ nhờ sức mạnh quân sự mà còn nhờ vào sự ủng hộ của quốc tế.

 

Theo các nhà phân tích, những lời lẽ trên sẽ làm hài lòng những người theo chủ nghĩa can thiệp và phái “diều hâu” bảo thủ. Nhưng đối với nhiều người Mỹ, một số câu hỏi chính vẫn còn chưa được trả lời.
 
Obama khẳng định chắc chắn với công chúng rằng Mỹ chỉ đảm nhận vai trò hỗ trợ trong chiến dịch của NATO (mặc dù nhiều người tỏ ra nghi ngờ) và sẽ không cố gắng lật đổ ông Gadhafi bằng vũ lực. “Một cách thành thực, chúng ta đã đi con đường đó ở Iraq”, Obama nói và cho biết thêm “thay đổi chế độ ở đó đã tiêu tốn mất 8 năm trời, mạng sống của hàng nghàn người Mỹ cùng Iraq và gần một nghìn tỷ đô la. Đó là điều chúng ta không có khả năng lặp lại ở Libya”.

 

Vậy lựa chọn ở Libya là gì? Obama muốn ông Gadhafi phải rời bỏ quyền lực nhưng ông cũng thừa nhận rằng “đến khi điều đó xảy ra, Libya vẫn còn nguy hiểm”.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính Obama vẫn còn mơ hồ về kết quả, cũng như cách thức ông sẽ đạt được kết quả trong chiến dịch tại Libya. Nhiều câu hỏi vẫn còn chưa được giải đáp, ví dụ như như liệu ông có xem xét cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Libya (khả năng có thể vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc). Hoặc nếu không, liệu ông có thể hỗ trợ tài chính? Và nếu bế tắc giữa ông Gadhafi và quân nổi dậy vẫn dai dẳng, liệu Mỹ có sẵn sàng công nhận một nhà nước riêng rẽ ở miền đông Libya? (Liên đoàn Ả rập chắc chắn sẽ không không mấy hứng thú với viễn cảnh này)

 

Ngoài ra vẫn còn tồn tại những câu hỏi khác, đơn giản như quân nổi dậy là ai? Họ tin tưởng vào điều gì – liệu Obama đã hiểu rõ về họ?

 

Cuối cùng, giả xử ông Gadhifi bị phế truất, quân đội và lực lượng an ninh của ông bị tan rã, có lẽ chiến tranh bộ tộc sẽ nổ ra khắp đất nước giàu dầu mỏ này. Rồi có thể al-Qaedda sẽ nhảy vào tận dụng và làm cho tình hình thêm bất ổn. Bạo lực sẽ có thể lại nổ ra khắp nước. Một kịch bản nghe quen quen như đã từng xảy ra ở Iraq?

 

Phan Anh

Theo Time