1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Hoài nghi về kết quả chung cuộc COP21

(Dân trí) - Câu hỏi lớn “các nước giàu chịu chi bao nhiêu và trong bao lâu” được nhấn mạnh trên nhiều tờ báo Pháp, song song với vấn đề then chốt là phải ngăn chặn nhiệt độ khí quyển tăng quá 2°C từ nay đến năm 2100.

Hoài nghi về kết quả chung cuộc COP21 - 1

Tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo về COP21 tại Paris ngày 1/12. (Ảnh AFP)

Đồng thời các nước phát triển phải chấp nhận tiếp tục đầu tư tái cấu trúc công nghiệp chuyển qua năng lượng sạch, cũng như hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để khắc phục thiên tai và sử dụng năng lượng tái tạo.

Báo Le Figaro trong bài xã luận ngày 1/12 nêu rõ hoài nghi về kết quả chung cuộc của COP 21. Báo nêu các dẫn chứng: nhiều thành phố Trung Quốc đang trở nên ngạt thở vì không khí ô nhiễm liên tục tăng lên mức báo động. Hạn hán lại kéo dài tại bang California, Hoa Kỳ, khiến cho cây khô dễ bén lửa, các đám cháy đã thiêu hủy rừng trên một diện tích lớn. Tại những vùng nhiệt đới, mực nước biển dâng cao đe dọa trực tiếp tới các quốc đảo, trong khi ở Bắc Cực, các lớp băng đang tan nhanh bất thường.

Trong bối cảnh đó, cũng theo Le Figaro sự kiện các lãnh đạo thế giới đưa ra những lời cam kết chống biến đổi khí hậu cũng chẳng trấn an được ai. Vấn đề là do ba trở ngại chính:

Thứ nhất là do tính toán chính trị, mỗi quốc gia vì quyền lợi của riêng mình có thể đưa ra cam kết, nhưng chưa chắc gì có quyết tâm thực hiện.

Trở ngại thứ hai là vấn đề phát triển kinh tế, các quốc gia đang trỗi dậy có chịu thay đổi mô hình phát triển hay không: cam kết chống biến đổi khí hậu cũng có nghĩa là phải chịu giảm tỷ lệ tăng trưởng.

Khó khăn thứ ba là vấn đề tài chính: Liệu các nước giàu ở phương Bắc có chịu đóng góp mỗi năm 100 tỷ USD vào Quỹ Khí hậu xanh để giúp các nước nghèo ở phương Nam chống biến đổi khí hậu?

Báo Le Monde trả lời phần nào câu hỏi này trong bài phân tích “Nam-Bắc đối chọi, vấn đề then chốt của COP21”. Trong đó nêu rõ rằng khối phương Nam gồm các nước đang trỗi dậy và các nước nghèo có lập trường khác hẳn, nếu không nói là đi ngược lại chủ trương của khối phương Bắc gồm các nước công nghiệp phát triển. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times, Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi đã đòi điều mà ông gọi là “Công lý về Khí hậu”.

Theo đó, sau quá trình công nghiệp hóa trong những thế kỷ vừa qua, các nước giàu phải gánh chịu trách nhiệm lớn trong việc phát thải các loại khí làm Trái Đất nóng lên. Do vậy, các nước giàu giờ đây khó có thể áp đặt các nước đang phát triển phải kìm hãm tăng trưởng của họ để giúp chống biến đổi khí hậu.

Ấn Độ biện minh cho quan điểm của mình và đòi được quyền phát triển. New Delhi chỉ cam kết nhân lên gấp 20 lần mức sản xuất năng lượng mặt trời, và dùng 40% năng lượng sạch để sản xuất điện lực từ nay cho tới năm 2030.

Le Monde nhận xét, Ấn Độ trước hết phải bảo vệ quyền lợi riêng: ở một đất nước mà hàng trăm triệu hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh, không có đủ điện nước để sinh hoạt, thì chống biến đổi khí hậu vẫn là điều gì đó còn trừu tượng xa vời, một thứ xa xỉ phẩm mà người nghèo chưa dám nghĩ tới.

Hoài nghi về kết quả chung cuộc COP21 - 2

Tổng thống Pháp cam kết tài trợ cho Châu Phi 2 tỷ Euro để phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2016-2020. (Ảnh Pool/AFP)

Các nhà phân tích đơn cử một ví dụ minh họa cho sự đối chọi Nam-Bắc, đó là người giàu muốn đóng tiền bảo hiểm nhà cửa, trong khi người nghèo bữa ăn chưa no, tiền đâu mà tính đến chuyện mua nhà. Vì vậy, để đạt được mục tiêu hội nghị COP21 phải giải quyết trước hết một vấn đề quan trọng: các nước giàu chịu chi bao nhiêu tiền và trong bao lâu, để khuyến khích giúp đỡ các nước nghèo (hay các quốc gia đang phát triển) nỗ lực chống biến đổi khí hậu?

Quý Cao (theo Le Figaro, Le Monde)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm