1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hồ sơ Lầu Năm Góc (phần cuối): Những bí mật động trời được tiết lộ

(Dân trí) - Ngày 14/6/2011, Cơ quan lưu trữ quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho giải mật 7.000 trang hồ sơ "Quan hệ Mỹ-Việt giai đoạn 1945-1967: Nghiên cứu do Bộ Quốc phòng thực hiện" do Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là Robert McNamara đặt làm vào tháng 6/1967.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara (Ảnh:
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara (Ảnh: CBS)
 
Ý tưởng làm Hồ sơ Lầu Năm Góc xuất phát từ một cuộc họp năm 1967 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara với Giáo sư Harvard, Richard Neustadt.
 
McNamara nhớ lại cuộc trò chuyện trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1996 rằng: "Lần đầu tiên… tôi có cảm giác rằng chiến tranh đã không diễn ra như kỳ vọng, các học giả trong tương lai chắc chắn sẽ muốn nghiên cứu về lý do của điều đó. Tôi nghĩ chúng tôi nên tạo điều kiện cho một nghiên cứu như vậy để ngăn chặn sai lầm tương tự lặp lại trong tương lai".

Cuối năm đó, McNamara đã xúc tiến kế hoạch thực hiện ý tưởng này và đặt hàng Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề an ninh quốc tế, John McNaughton, bắt đầu thu thập các tài liệu cho các học giả sử dụng trong tương lai.

Hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ, chính quyền Tổng thống Harry S. Truman đã viện trợ quân sự cho Pháp trong cuộc chiến tranh thuộc địa chống lại chính quyền Việt Minh. Điều này cho thấy Mỹ đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ rất sớm.

Ngoài ra, nó cũng cho biết vào năm 1954, chính quyền Tổng thống Dwight Eisenhower cũng đã ra quyết định làm suy yếu chính quyền miền Bắc Việt Nam non trẻ để ngăn chặn họ kiểm soát miền Nam.

Những trang tài liệu khác cho thấy chính quyền Tổng thống John F. Kennedy đã kế thừa các chính sách của chính quyền Dwight D. Eisenhower, tăng cường các cuộc chiến tranh bí mật chống lại miền Bắc Việt Nam và bắt đầu kế hoạch công khai vào năm 1964, hành động đi ngược lại hoàn toàn với tuyên bố trước đó của ông.

Tài liệu cũng chỉ ra rằng Tổng thống Lyndon B. Johnson đã ra lệnh ném bom miền Bắc Việt Nam năm 1965, bất chấp phán quyết của cộng đồng tình báo Mỹ rằng điều này không có ích trong việc ngăn miền Bắc tiếp viện cho phong trào kháng chiến ở miền Nam.

Bên cạnh đó, tài liệu giải mật còn cho thấy hàng trăm trang tài liệu ghi lại các chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong giai đoạn 1940-1950, những tài liệu mật mô tả về các nhân vật tiếng tăm của Việt Minh, trong đó có lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Hồ sơ Lầu Năm Góc cũng đưa ra dự đoán rằng cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam không có khả thắng và nếu tiếp tục chiến tranh sẽ dẫn đến nhiều thương vong hơn nữa.  

Hơn nữa, các tài liệu chỉ ra rằng có một sự hoài nghi sâu sắc trong công chúng về sự coi thường những thiệt hại về người, gồm binh sĩ và dân thường, của chính quyền Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Những tài liệu giải mật cho thấy chính phủ Mỹ bí mật cố tình mở rộng vai trò của mình trong cuộc chiến bằng các cuộc không kích chống lại Lào, tấn công bờ biển Miền Bắc Việt Nam, trong khi Tổng thống Johnson hứa hẹn trước công chúng rằng sẽ không mở rộng chiến tranh.

Ngoài ra, tài liệu mật cũng đề cập tới một vấn đề gây tranh cãi nữa là việc Tổng thống Johnson quyết tâm gửi quân đội Mỹ tới Việt Nam tham chiến vào ngày 17/7/1965 bất chấp ý kiến của đội ngũ cố vấn, một bằng chứng cho thấy ông chỉ giả vờ để tham khảo ý kiến các cố vấn của mình.

Tài liệu còn cho thấy, chính phủ Washington cáo buộc lực lượng miền Bắc Việt Nam tấn công hạm đội USS Maddox năm 1964 và coi đó là cái cớ để đưa quân tới Việt Nam. Trên thực tế, cáo buộc đó do chính phủ Mỹ dàn dựng để kiếm phiếu bầu trong cuộc bầu cử sắp tới. 

Long Nguyễn 
Theo History