1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hồ Chủ tịch và “Hành trình đi tìm tự do”

(Dân trí) - “Hành trình đi tìm tự do” - Đó là nhan đề bài viết của Laura Lam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tác giả lần theo dấu chân nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam, ngược lại những năm tháng Người rời quê hương đến Pháp để tìm đường cứu dân tộc.

Cụ tôi thường nói lính Pháp đã bắt Vua Hàm Nghi và đày ông sang Algeria đúng năm cụ sinh ra, năm 1888. Cụ được cha mẹ kể lại quân đội thực dân đã đốt làng và đàn áp phong trào kháng chiến Cần Vương như thế nào. Nhiều nhà lãnh đạo bị tra tấn và xử tử. Cuộc chiến đấu kéo dài cả thế kỷ chống thực dân Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954. Nguyễn Ái Quốc, sinh năm 1890, là nhân vật của thời đại.
 
Hồ Chủ tịch và “Hành trình đi tìm tự do” - 1
Lối vào thư viện St. Genevieve
 
Ở trung tâm thủ đô Paris, tôi thường đi qua Thư viện St Genevieve - một trung tâm công cộng lớn mà các sinh viên và các nhà nghiên cứu ở những trường học xung quanh và Sorbonne thường lui đến. Tám mươi năm trước, đây là nơi Nguyễn Ái Quốc rất yêu thích và chỉ cách chỗ ông ở vài phút đi bộ. Giống như Karl Marx đã dùng tất cả thời gian của mình ở phòng đọc của Thư viện Bảo tàng Anh, người cha của nền độc lập Việt Nam đã miệt mài ở St Genevieve. Phía trước mặt tiền dài và thoáng rộng của St Genevieve, hướng về Pantheon, khắc một danh sách tên những nhà văn nổi tiếng. Tôi đồ rằng Nguyễn Ái Quốc đã từng đọc những dòng chữ này khi ông tới đây, vì vậy, tôi quyết tâm đi tìm câu trả lời.
 
Nguyễn Ái Quốc khi sinh thời là Nguyễn Sinh Cung, đến năm 11 tuổi mới được cha đổi tên là Nguyễn Tất Thành. Ông theo học trường Quốc học Huế danh tiếng. Nhận thức của ông chịu sự ảnh hưởng rất lớn của thuyết Khổng Tử. Khi còn nhỏ, ông rất tò mò về phương Tây. Ông từng nói: “Khi tôi 13 tuổi, tôi đã từng lần đầu tiên nghe nói về Tự do, Bình Đẳng và Bác ái... Tôi muốn tự mình làm quen với văn hóa Pháp, để tìm hiểu điều gì ẩn sau những khái niệm này”.
 
Đối nghịch với những phép tắc ở Mẫu quốc, không có tự do, bình đẳng và lòng bác ái ở Đông Dương. Sự bóc lột của Pháp được tóm tắt đầy đau đớn trong từng từ ngữ của cụ Phan Chu Trinh, với những giam hãm, đánh đập, lột da và dóc xương người dân bản xứ.
 
Để ngăn chặn phong trào cải cách đang ngày một lớn mạnh, chế độ thực dân đã kiểm soát gắt gao trường học tự do duy nhất là Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 và bắt bớ những người sáng lập cùng những nhà trí thức tiến bộ khác. Là trường học đầu tiên trao quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục cho nữ giới, Đông Kinh Nghĩa Thục cũng chủ trương ủng hộ cải cách xã hội và chính trị.
 
Hồ Chủ tịch và “Hành trình đi tìm tự do” - 2
Danh sách các nhà văn nổi tiếng khắc phía trước thư viện St Genevieve
 
Ở tuổi 21, Nguyễn Tất Thành bắt đầu dạy chữ Quốc Ngữ và chữ Hán ở trường Dục Thanh danh tiếng tại Phan Thiết. Mỗi ngày, ông đến trường trong bộ áo dài cotton trắng, đầu đóng khăn xếp và chân đi guốc mộc. Các học trò cũng mặc quần áo dân tộc. Trường học nằm ở bên bờ phía Nam thơ mộng của sông chảy qua Phan Thiết. Thày giáo trẻ thường đưa các học trò của mình ra bờ sông để giảng dạy đạo lý và dã ngoại. Thỉnh thoảng, thày trò ngồi trên bãi đá, hát những bài ca yêu nước do chính mình sáng tác.
 
Nguyễn Tất Thành trở thành thày giáo được học trò rất yêu mến. Trong những buổi giảng bài như vậy, thày giáo Thành thường mở mang cho đầu óc non nớt của các trò những hiểu biết về nền văn minh phương Tây, quyền con người, sự bình đẳng, tự do cá nhân và những tư tưởng lớn của JJ Rousseau, Montesquieu, Voltaire… Tại thư viện ở Paris, ông chắc đã tiếp thu được còn nhiều hơn như vậy. Chắn chắn có nhiều tác phẩm vĩ đại khác thu hút sự chú ý của ông, như của các tác giả Shakespeare, Charles Dickens, Victor Hugo và Emile Zola.
 
Thực dân Pháp nghi ngờ trường Dục Thanh từ khi thày giáo Thành vẫn đang dạy học tại đây, cho rằng đây sẽ là một trường Đông Kinh nữa. Pháp lưu tâm đến hiệu sách ngay cạnh trường học, bán những tác phẩm của những nhà văn hàng đầu Việt Nam cổ vũ cho cải cách, với khẩu hiệu: “Hãy dẹp sang bên những gì lỗi thời và cổ hủ, nắm lấy cái mới và hiện đại”. Thực dân Pháp cảm thấy khẩu hiệu này đang chĩa mũi dùi vào các chính sách cai trị của chúng ở Đông Dương.
 
Thày giáo Thành luôn trăn trở và đã nghĩ đến việc nghỉ dạy học. Ông chứng kiến thường xuyên kiểu đối xử tàn ác của Pháp đối với người dân bản xứ và cảm thấy vô cùng tủi cực. Một lần, khi một cơn bão tràn qua tàn phá cảng Phan Rang, các viên chức Pháp đã lệnh cho các công nhân người Việt lặn xuống nước giữa lúc bão lớn để cứu thuyền. Nhiều người Việt Nam đã bị chết đuối, trong khi người Pháp xem đấy là trò tiêu khiển.
 
Hồ Chủ tịch và “Hành trình đi tìm tự do” - 3
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua (ảnh tư liệu).
 
Đầu năm 1911, thầy giáo Thành đến Sài Gòn, đổi tên là Văn Ba. Ông xin được làm phụ bếp cho tàu buôn Đô đốc Latouche Treville. Mỗi ngày, ông phải làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm. Khi nhận việc, ông được hứa sẽ được trả 45 francs một tháng. Nhưng trước khi tàu cập cảng Marseille tháng 7/1911, ông được trao tổng số lương chỉ có 10 francs.
 
Lên bờ cùng một người bạn quen trên tàu, ông đi đến quán cafe vỉa hè ở Rue Cannebiere. Một người bồi bàn chào ông “Xin chào ngài!”. Ông rất ngạc nhiên và nói với người bạn: “Người Pháp ở đây tốt hơn và lịch sự hơn người Pháp ở Đông Dương”.
 
Trong nhiều thập kỷ sau đó, chàng thanh niên trẻ tên Thành sống ở nhiều nước khác nhau, bị truy đuổi, bị tù, vượt ngục, cả bị thực dân Pháp tuyên án tử hình. Nhưng ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ để tranh thủ sự hỗ trợ từ những người đồng chí với khao khát cháy bỏng là chấm dứt chế độ thực dân ở quê nhà.
 
Ông đã luôn luôn vận động, đã thay đổi ít nhất là 45 tên và bút danh. Năm 1939, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc đã trở nên rất nổi tiếng. Năm 1945, trên Quảng trường Ba Đình, tên gọi “Hồ Chí Minh” đã cùng ông làm nên lịch sử rạng ngời với tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 8 năm sau, tại Điện Biên Phủ, mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên ngôn độc lập đã thành hiện thực. Tuyên ngôn này đã chứa đựng phần nhiều những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh học được về tự do trong một thư viện lớn ở Paris.
 
Laura Lam
(Việt Hà dịch)
Trích bình luận về bài viết này của tác giả Laura Lam trên trang tiếng Anh của báo Dân trí, Dtinews
 
Ý kiến từ Anna: Tôi đã đọc những bài báo của Laura và thấy những bài viết này rất tuyệt. Những câu chuyện rất thú vị. Tôi ước gì mình có thể tự viết những bài như thế.
 
Từ David Clegg: Thật là một bài báo tuyệt vời. Với tôi, đó là lời giới thiệu tuyệt vời về một nhân vật nổi tiếng với nhiều tên gọi nhưng chỉ một mục đích. Cám ơn bạn đã chia sẻ.
 
Từ N. Girod: Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp Cách mạng của Việt Nam là rất lớn và có thể hồi tưởng lại quãng đời ông từng sống ở Paris xinh đẹp càng làm dâng lên nỗi nhớ quê nhà. Tôi có ý định sẽ đến thăm thư viện St Genevieve vào dịp tới. Cảm ơn bạn đã chia sẻ những hiểu biết về Hồ Chí Minh và về thành phố Paris đáng yêu.
 
Từ Lynn Jeffress: Tôi bị mê hoặc bởi những điều Laura viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã từng nghe nói về ông, gần như một nhân vật huyền thoại, và tôi biết một người phụ nữ Việt mà cha cô biết Hồ Chí Minh. Cha cô đã kể với cô Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào. Bài báo của Laura kể chi tiết về những gì tôi đã được nghe và thêm nhiều chi tiết nữa. Tôi rất biết ơn Laura vì đã giúp thế giới biết được sự thật về thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam, dù là dưới ách cai trị của Pháp hay Mỹ.