Hình ảnh đầu tiên về Tonga sau vụ núi lửa phun trào như "bom nguyên tử"
(Dân trí) - Những hình ảnh đầu tiên chụp hiện trạng ở Tonga sau vụ núi lửa phun trào cuối tuần qua đã xuất hiện, cho thấy những thiệt hại ban đầu ở quốc đảo hiện đang bị cô lập với thế giới.
Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở đáy biển Thái Bình Dương (gần đảo chính của Tonga) hôm 15/1 đã khiến quốc đảo này gần như bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, sau khi sóng thần tàn phá cơ sở hạ tầng trên đảo.
Tonga bị đứt kết nối internet, viễn thông khiến thông tin từ Tonga đến thế giới bị gián đoạn. Hiện mạng lưới viễn thông đã được khôi phục dần dần, nhưng tro bụi núi lửa và những thiệt hại do sóng thần gây ra tiếp tục gây trở ngại cho người dân ở Tonga.
Hiện thời, những hình ảnh từ lực lượng New Zealand và hình ảnh vệ tinh là những nguồn hiếm hoi để có thể giúp thế giới biết được điều gì đang xảy ra tại quốc đảo này.
Hiện có 2 trường hợp tử vong đã được xác nhận tại Tonga, trong khi con số chính thức hiện vẫn chưa được công bố do quốc đảo vẫn bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Hình ảnh chụp Nomuka, một đảo nhỏ ở phía nam nhóm đảo Haʻapai cho thấy đất đai, cây cối phủ toàn tro núi lửa và hàng loạt những thiệt hại xảy ra do thảm họa kép núi lửa và sóng thần ở Tonga.
Những hình ảnh vệ tinh do Liên Hợp Quốc phân tích cho thấy những cảnh tưởng tương tự tại Kolomotua, Tongatapu, Fafaa Village, Kolofo'ou khi một số tòa nhà vẫn đứng yên, thì một số dường như đã sập xuống và toàn bộ khung cảnh phủ trong tro xám.
Tại sân bay quốc tế Fua'amotu, đường băng dường như đã bị ngập nước và một phần bị tro bụi bao phủ. Các hình ảnh vệ tinh khác cho thấy lũ lụt làm ngập ở một số dãy nhà ở khu vực ven biển.
Vụ phun trào của núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai, được xem là vụ dữ dội nhất trong 30 năm qua, có sức công phá được so sánh ngang với "bom nguyên tử".
Theo Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta, tro núi lửa đã gây ra vấn đề cho việc cứu trợ bằng đường không tại Tonga.
"Hình ảnh cho thấy tro bụi trên đường băng sân bay Nuku'alofa phải được dọn sạch trước khi chuyến bay C-130 Hercules mang hàng viện trợ nhân đạo có thể hạ cánh", quan chức trên cho hay.
Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết rằng có thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng xung quanh đảo chính Tongatapu. "Chúng tôi đặc biệt lo ngại về hai hòn đảo nhỏ nằm ở vùng trũng thấp - Mango và Fonoi - sau các chuyến bay giám sát của New Zealand và Australia xác nhận thiệt hại đáng kể về cơ sở vật chất", cơ quan trên nói.
New Zealand đã điều động hai tàu hải quân chở nước và các vật tư viện trợ khác. Bà Mahuta cho biết chính phủ New Zealand đã phân bổ thêm 500.000 NZD hỗ trợ nhân đạo, nâng tổng số tiền tài trợ ban đầu lên 1 triệu NZD.
Các máy bay của New Zealand và Australia đã thực hiện các chuyến bay giám sát ở Tonga để đánh giá thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, đường dây điện, đường sá.