Hình ảnh chàng cao bồi và các đời tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Từ Theodore Roosevelt cho đến George W. Bush, tất cả các đời tổng thống Mỹ (TT) đều gắn liền với hình ảnh huyền thoại của các chàng cao bồi miền Tây.
Trong vận động tranh cử năm 2007, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton tuyên bố: “Kỷ nguyên ngoại giao cao bồi đã qua” khi chỉ trích chủ nghĩa đơn phương của chính quyền Tổng thống Bush. Theo ông Garron Maloney của Bảo tàng “Centre national Autry” ở Los Angeles chuyên về văn hoá và đời sống miền Tây nước Mỹ và là nơi vừa diễn ra triển lãm “Cowboys and presidents” (Cao bồi và các tổng thống) cho hay, trong chính trị, từ ngữ “cao bồi” không phải lúc nào cũng mang nghĩa tiêu cực.
Theodore Roosevelt, tổng thống Mỹ những năm 1901-1909 chính là người đã mang hình ảnh những chàng cao bồi vào đời sống chính trị nước này. Vị tổng thống có tên gọi thân mật “Teddy” sở hữu một số trang trại ở Dakota và vận động tranh cử lôi kéo cử tri nhờ hình ảnh một ứng cử viên tiên phong trong cuộc sống phóng khoáng.
Huyền thoại tốt đẹp của miền Tây nước Mỹ được viết nhờ William Frederic Cody, biệt danh “Buffalo Bill” - gương mặt huyền thoại trong cuộc chinh phục miền Tây. Trước đó, các chàng cao bồi luôn bị coi là những kẻ sống không có đức tin và luật pháp.
Sự khai thác thành công hình ảnh các chàng cao bồi được thể hiện trong hầu hết các đời tổng thống Mỹ trước năm 1945 đều được sinh ra ở miền đông bang Mississippi và chiếm được cảm tình của các cử tri miền Tây, điển hình là Calvin Coolidge, tổng thống Mỹ từ năm 1923-1929. Ông đi khắp nước Mỹ với chiếc áo sơ mi làm từ vải thô, xà cạp bằng da và đội mũ rộng vành. Vị luật sư sinh ra ở Vermont thể hiện lòng yêu những anh chàng cao bồi bằng việc cho lắp đặt trong Nhà Trắng một con ngựa điện tử.
Tổng thống thứ 36 của nước Mỹ, Lyndon Baines Johnson xuất thân từ bang Texas, kế nhiệm TT John F. Kennedy năm 1963 sau khi ông bị ám sát có một ý tưởng đầy chất cao bồi, xây dựng một Nhà Trắng ở miền Tây ngay trong khu trang trại gia đình, nơi dành để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia theo kiểu “ngoại giao lò nướng" (barbecue diplomacy). TT Lyndon Baines Johnson, người ủng hộ nhiệt thành cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và là người chiến thắng trong “cuộc bầu cử của các chàng cao bồi” trước đối thủ thuộc đảng Cộng hoà Barry Goldwater thường được miêu tả như “một cao bồi mũ đen”.
Các Tổng thống Mỹ có quan hệ rất gắn bó với các diễn viên vào vai thành công “cao bồi miền Tây”của kinh đô điện ảnh Hollywood: Theodore Roosevelt và Will Rogers, Franklin Roosevelt và Gene Autry, Richard Nixon và John Wayne, đặc biệt là Ronald Reagan, nam diễn viên đầu tiên của Hollywood được bầu làm TT Mỹ năm 1980. Chính ông đã đóng vai trong phim “Cattle Queen of Montana” (1955) cùng với Alan Dwan và Barbara Stanwyck.
Nhà Reagan có một trang trại ở bang California và ông Reagan rất thích cưỡi ngựa và khám phá văn hoá miền Tây trong suốt thời gian làm ông chủ Nhà Trắng. Một bức hình chụp cho thấy ông Reagan đội mũ cao bồi hiệu Stetson, chân đi giày cao cổ gác lên bàn làm việc của tổng thống.
Đến thế kỷ 21, các nhà biếm hoạ tái hiện hình ảnh chàng cao bồi khi phác hoạ chân dung Tổng thống đương nhiệm George W. Bush trong tư thế tay vào cò súng để phát động cuộc chiến chống khủng bố. Gia đình ông Bush sở hữu một trang trại ở bang Texas và TT Mỹ rất tự hào khi được so sánh như người đàn ông miền Tây thực thụ, thường thích đi giày cao cổ bằng da trong lần vận động tranh cử năm 2005.
Ông Garron Maloney cho hay, hình ảnh chàng cao bồi ăn sâu vào đời sống chính trị Mỹ bởi nó là biểu tượng chính thức của nước Mỹ. Điều này sẽ còn tiếp tục được duy trì. Người ta có thể thấy thấp thoáng chất cao bồi trong con người ứng cử viên TT của đảng Cộng hoà, Thượng nghị sĩ John McCain của Arizona, bang của những chàng cao bồi. Nếu đặt chân vào triển lãm “Cowboys and presidents” ở Los Angeles, người ta có thể dễ dàng nhận ra một bức ảnh chụp ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obama đầu đội mũ cao bồi hiệu Stetson, thay cho hành động chứng tỏ chất Mỹ trong con người ông.
Ngọc Nhàn
Theo Los Angeles Times, AFP