1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gương mặt chính khách:

Hillary Clinton - Con đường không trải nhung

(Dân trí) - Khi cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ chuyển hướng sang các bang miền Nam, các ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ mới bước vào một cuộc chạy đua thực sự - cam go và khốc liệt.

Tuần trước, nghị sỹ Hillary Clinton đã phải thay đổi kế hoạch làm việc để đến thăm một nhà thờ ở thành phố nhỏ Selma, tiểu bang Alabama, vào cuối tuần. Có nhiều lý do cho sự thay đổi đột ngột này.

 

Trong đó, quan trọng nhất có lẽ là sự kiện thành phố Selma kỷ niệm 42 năm cuộc biểu tình đấu tranh cho quyền công dân diễn ra trên cây cầu Edmund Pettus. Năm 1965, vệ binh của tiểu bang Alabama đã tấn công tàn bạo vào những người tham gia biểu tình, gây phẫn nộ trong cả nước khiến chính phủ phải thông qua đạo luật công nhận quyền bầu cử và ứng cử của người da đen. Các nhân vật có thế lực của đảng Dân chủ, trong đó có lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện, nghị sĩ Harry Reid, và người phát ngôn của Thượng viện, Nancy Pelosi, cũng đến tham gia lễ tưởng niệm. Thêm nữa, khó có thể tin rằng bà Clinton không bị dao động trước tin nghị sỹ Barack Obama, đối thủ đáng gờm nhất, có bài phát biểu tại một nhà thờ của người da đen ở thành phố Selma.

 

Hôm 4/3, hai ứng viên Hillary Clinton và Barack Obama của đảng Dân chủ cùng lúc có bài phát biểu tại hai nhà thờ cách nhau chưa đầy 300 mét. Đây là nỗ lực nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri da đen - khối cử tri quan trọng nhất của đảng Dân Chủ.

 

Một tháng trước, có vẻ như bà Clinton nhận được sự ủng hộ lớn của khối cử tri da đen, chủ yếu nhờ vào uy tín trước đây của chồng - cựu Tổng thống Bill Clinton. Theo Washington Post và ABC News, kết quả bỏ phiếu hồi tháng 1 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người da đen đối với bà Clinton là 60%, cao gấp 2 lần tỷ lệ 20% của đối thủ Obama .

 

Ông Obama không được sự ủng hộ của các lãnh đạo phe đấu tranh bảo vệ dân quyền, như Jesse Jackson. Sinh trưởng trong một gia đình có cha là người Kenya và mẹ là người Mỹ da trắng, nghị sỹ Obama không có kinh nghiệm trong việc tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp lao động nghèo. Thậm chí, ông còn thường xuyên bị “chế nhạo” là “không đủ đen”.

 

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu mới đây đã cho thấy tình hình đang diễn biến theo hướng khác. Nghị sĩ Obama đã vươn lên dẫn trước bà Clinton trong khối cử tri da đen với tỷ lệ 44% và 33%. Đa số cử tri da đen đang ủng hộ nghị sỹ đại diện bang Illinois.

 

Rõ ràng là Obama đang thành công trong việc “lấy lòng” khối cử tri da đen, và bà Clinton bắt đầu nhận ra rằng bà không thể chỉ dựa vào uy tín trước đây của chồng để lôi kéo sự ủng hộ của những người da đen.

 

Khi George Bush tranh cử tổng thống vào năm 2000, ông có một số lợi thế quan trọng khác hơn ngoài việc là ứng viên sáng giá. Một ứng viên xuất sắc, có nhiều khả năng trúng cử, sẽ nhận được sự ủng hộ lớn của người lao động, các nhà tài trợ và những người còn đang do dự chưa biết ngả theo phe nào. Mất đi lợi thế này, tình hình sẽ đảo ngược.

 

Chiến dịch tranh cử của bà Clinton khó có thể thực hiện theo Tổng thống Bush vì bà chưa có được sự ủng hộ chắc chắn. Các cử tri vẫn còn nhiều do dự nên đây là thời điểm quyết định để các ứng viên kéo sự ủng hộ về phía mình. Nghị sỹ John McCain của đảng Cộng hòa đã để mất sự ủng hộ của cử tri và giờ đây, điều tương tự đang diễn ra với bà Clinton.

 

Tất cả là do “lỗi” của một người: nghị sỹ Obama. Ông đã vô hiệu hóa hoặc làm giảm những lợi thế của bà Clinton. Nếu bà Hillary có thể là nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ thì Obama có thể là tổng thống da đen đầu tiên. Nếu bà là một nhân vật nổi tiếng thì ông cũng là một ngôi sao. Bà Clinton đã hy vọng sẽ là người ở thế chủ động trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng. Nhưng đối thủ Obama đã hơn một lần dẫn trước bà, ví dụ như ông bước vào cuộc chạy đua sớm hơn, hay đã biến những tuyên bố của bà thành một kiểu bắt chước.

 

Thêm nữa, bà Clinton luôn gặp rắc rối với phe cánh tả phản chiến, những người đang tức giận về việc bà đã bỏ phiếu đồng ý với cuộc chiến tranh Iraq. Ngược lại, Obama nổi tiếng là người có quan điểm phản chiến rõ ràng.

 

Tình hình đang diễn biến có lợi cho nghị sỹ Obama khi tin ông nhận được thêm nhiều sự ủng hộ của khối cử tri da đen đến chỉ một tuần sau thành công của chiến dịch vận động tài trợ tranh cử ở Hollywood. Chiến dịch này đã đem về cho nghị sỹ đại diện tiểu bang Illinois 1,3 triệu USD và lôi kéo được sự ủng hộ của các ngôi sao như Jennifer Aniston, Morgan Freeman và Ben Stiller. Nam diễn viên điện ảnh George Clooney đã công khai ủng hộ Obama trên tờ Newsweek. Nữ diễn viên Halle Berry từng đạt giải Oscar năm 2002 cũng đã tuyên bố ủng hộ nghị sỹ Obama. Và điều gây khó chịu nhất cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton là chương trình vận động gây quỹ này được thực hiện bởi chính David Geffen, người được coi là “bạn của gia đình Clinton” và đã từng giúp gây quỹ 18 triệu USD cho cựu Tổng thống Bill Clinton trong chiến dịch tranh cử hồi cuối thập niên 90.

 

Đáng lo ngại hơn cả là việc các đảng viên đảng Dân chủ đã bắt đầu đặt câu hỏi về đời tư của bà Clinton, trong đó có cả câu hỏi về vụ bê bối của cựu Tổng thống Bill Clinton, điều mà chiến dịch tranh cử của bà đã cố tránh.

 

Bà Clinton vẫn là một ứng viên nặng ký cho ghế Tổng thống - một chính trị gia thông minh và giàu kinh nghiệm, được sự ủng hộ của cỗ máy chính trị hiện đại. Trong khi đó, ông Obama là “lính mới”.

 

Tuy vậy, nghị sỹ Obama đang dần thu hẹp khoảng cách với bà Clinton. Kết quả hai cuộc bỏ phiếu trên Washington Post cho thấy khoảng cách trong tỷ lệ ủng hộ đối với bà so với ông Obama đã giảm một nửa từ 24 điểm xuống còn 12 điểm chỉ trong hơn 1 tháng. Tỷ lệ số người không ủng hộ trên số người ủng hộ bà Clinton hiện nay là 49/48 trong khi tỷ lệ tương ứng của ông Obama là 50/30. Thậm chí, một số người tham gia chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton còn bắt đầu có ý nghĩ rằng có thể họ đã ủng hộ nhầm người và nói đến việc chuyển hướng. Có lẽ những ngày bà Clinton có thể yên tâm bình thản tiến bước trên con đường dẫn vào Nhà Trắng đã qua .

 

Đặng Lê

Theo The Economist