1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hiệp định RCEP đối mặt nhiều khó khăn sau khi CPTPP ra đời

(Dân trí) - Các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận trong năm 2018 sau 20 vòng đàm phán, với hy vọng phần nào lấp được khoảng trống sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Lãnh đạo các nước đàm phán RCEP họp tại Manila, Philippines (Ảnh: Kyodo)

Lãnh đạo các nước đàm phán RCEP họp tại Manila, Philippines (Ảnh: Kyodo)

Tại Hội nghị cấp cao diễn ra ở Manila, Philippines ngày 14/11, các nhà lãnh đạo 16 nước đang đàm phán RCEP cho rằng sẽ không thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do này vào cuối năm nay, song nhất trí tăng cường nỗ lực để hoàn tất thỏa thuận trong năm 2018.

RCEP, do Trung Quốc khởi xướng, là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Trải qua 20 vòng đàm phán từ năm 2012, đến nay các nước vẫn chưa tìm được sự đồng thuận về nhiều chi tiết trong thỏa thuận này.

Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo RCEP diễn ra chỉ vài ngày sau khi 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam nhất trí sẽ xây dựng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây sẽ là một thỏa thuận toàn diện, chất lượng cao thay thế TPP sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi đầu năm nay.

Xét về mặt kinh tế, việc đảm bảo RCEP trở thành thỏa thuận thương mại thống trị trong khu vực là một trong những ưu tiên của Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu năm 2016, RCEP có thể mang lại cho Trung Quốc 88 tỉ USD mỗi năm, trong khi CPTPP có thể khiến Bắc Kinh mất khoảng 22 tỉ USD. Nếu cả 2 thỏa thuận này đều thành công, mỗi năm Trung Quốc sẽ thu về khoảng 72 tỉ USD.

Vấn đề đặt ra hiện nay cho Trung Quốc là 7 nước tham gia cả hai thỏa thuận, trong đó có Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, có thể không còn mấy mặn mà với RCEP sau khi việc xây dựng CPTPP đã được nhất trí.

“RCEP là một ưu tiên sau khi Mỹ rút khỏi TPP khiến thỏa thuận này đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nhưng trong vài tháng qua, đã có những động lực mới cho TPP”, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed phát biểu trong một tuyên bố hồi tuần trước.

Trong khi đó, việc đạt được đồng thuận về RCEP vẫn còn là một chặng đường rất dài. Trong các cuộc họp hồi tháng trước tại Hàn Quốc, các bộ trưởng chỉ thống nhất được các vấn đề mà các nước cần thảo luận. Đến nay, chưa có bước tiến đáng kể nào trong các cuộc đàm phán RCEP.

Ông Zhang Jun, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết mặc dù sự ra đời của CPTPP không đồng nghĩ với việc RCEP sẽ bị xóa bỏ, song chắc chắc RCEP sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Trong khi đó, cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Philippines Jose Cuisia Jnr cho rằng RCEP có nhiều tiềm năng thành công hơn CPTPP do có sự tham gia của hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua để đạt được thỏa thuận này.

Nhật Minh

Theo SCMP