CPTPP không chỉ là thương mại
Theo các chuyên gia, việc đạt được thỏa thuận CPTPP của 11 nước thành viên có ý nghĩa lớn về cải cách thể chế hơn là hướng đến các thị trường xuất khẩu
Chiều 11/11, ngay sau phiên họp báo về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, tên mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) ở Trung tâm Báo chí Quốc tế TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi với Báo Người Lao Động về vài điểm liên quan CPTTP.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định CPTPP với Việt Nam có ý nghĩa lớn về mặt thể chế hơn là về thương mại, đầu tư. Trong ảnh: Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay các bên đã tiến rất gần tới việc ký kết hiệp định này. Với hiệp định mới, 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu sẽ được treo lại, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, 4 điểm được để riêng cho các bên đàm phán thống nhất. Các điều này sẽ được nêu trong phụ lục kèm theo tuyên bố chung. Tuy nhiên, hiện chưa thể thông báo chính thức về các điều khoản treo này.
"Các điều khoản treo lại sẽ được công bố sau khi có bản dịch chính thức và các nước cũng đều thống nhất như vậy. Các nước đang làm những bước thủ tục để rà soát lại và công bố" - ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù trong bối cảnh mới - có một quốc gia rút khỏi hiệp định nhưng các nước còn lại đều khẳng định quyết tâm và mong muốn tiếp tục con đường này. Chính vì vậy, tính chất và chất lượng của CPTPP thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ. Đây là điều mà tất cả bộ trưởng TPP-11 đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của hiệp định.
Về nội dung cơ bản của CPTPP, ông Trần Tuấn Anh cho biết hiệp định vẫn giữ nguyên những đòi hỏi với các tiêu chuẩn ở mức cao như TPP gồm 12 nước trước đây. CPTTP chỉ khác ở một số điều khoản được điều chỉnh tạm hoãn thực thi.
"Với TPP hay CPTPP, bao giờ cơ hội và thách thức cũng song hành, gần như không có gì khác biệt. Bởi lẽ, giống như TPP, CPTPP cũng là một hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi phải thực hiện cải cách, đổi mới trong quan điểm cũng như pháp lý, thể chế, hành chính" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành công thương, chính những đòi hỏi này sẽ tạo động lực cho phát triển chung vì một nền kinh tế, một xã hội ngày càng mở cửa. Đồng thời, khi đạt được tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp luật, tạo được sự cạnh tranh trong một nhà nước pháp quyền với môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng… sẽ mang lại động lực tích cực để phát triển.
Về mặt thách thức, ông Trần Tuấn Anh cho rằng có những điều chúng ta phải "chấp nhận", nhất là những cải cách "động chạm đến lợi ích và quan điểm cũ". Ví dụ, mở cửa thị trường là vấn đề tương đối nhạy cảm, trong khi năng lực cạnh tranh của một số ngành còn rất yếu, có thể phải "trả giá" khi đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, quá trình đàm phán CPTTP đều bảo đảm mục tiêu hiệu quả cho các quốc gia tham gia. Vì vậy, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể về việc cải cách mở cửa, hội nhập trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đưa ra được quan điểm cân bằng về lợi ích của mình khi tham gia hiệp định.
Theo Phương Nhung/Người lao động