Hệ thống phòng thủ 800km của Nga ở Ukraine kiên cố mức nào?
(Dân trí) - Nga đang xây tuyến phòng thủ lớn chưa từng có ở châu Âu kể từ Thế chiến II, buộc phương Tây phải đẩy nhanh việc cấp các phương tiện chuyên dụng giúp Ukraine vượt qua chướng ngại vật này.
Giới phân tích nhận định, chưa từng có tuyến phòng thủ nào như vậy được xây dựng và nhìn thấy ở châu Âu kể từ năm 1945. Tuyến phòng thủ mà Nga đang xây dựng ở Ukraine có thể gần giống với Siegfried Line hay Gothic Line ở Italy, cả hai đều được quân đội Đức xây dựng trước và trong Thế chiến II. Đó là tổ hợp gồm chiến hào, rãnh chống tăng, răng rồng (chướng ngại vật bằng bê tông cốt thép dùng để cản xe bọc thép tiến công), lô cốt súng máy và boong-ke tạo thành tuyến phòng thủ dài 800km nhằm bảo vệ lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.
Tuyến phòng thủ khổng lồ này được các lực lượng Nga xây dựng kể từ mùa hè năm ngoái, nhằm ngăn chặn cuộc phản công dự kiến của Ukraine. Trong bối cảnh đó, các đồng minh của Kiev đã tăng tốc viện trợ thiết giáp hạng nặng được thiết kế chính xác để vượt qua các tuyến phòng thủ như vậy.
Lực lượng vũ trang Ukraine rõ ràng đang gặp trở ngại rất lớn trong việc giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Chiến dịch phản công của Kiev sẽ cần lượng binh sĩ, xe tăng và sự hỗ trợ từ trên không lớn hơn rất nhiều so với cuộc phản công hồi mùa hè và mùa thu năm ngoái ở các tỉnh Kharkov, Kherson.
Vào thời điểm đó, quân đội Nga đang rút lui và không có thời gian để đào các tuyến phòng thủ vững chắc. Lực lượng Ukraine đã mở cuộc phản công, trong đó, các đơn vị bộ binh nhỏ sử dụng phương tiện bọc thép hạng nhẹ để chọc thủng phòng tuyến của Nga. Chiến lược của Kiev trong những cuộc phản công đó dựa trên học thuyết quân sự của NATO, trao quyền tự chủ cho các chỉ huy tiểu đoàn trên mặt đất, kèm theo là pháo binh có độ chính xác cao tấn công vào những tuyến tiếp tế và hậu phương của Nga.
Tình thế mà quân đội Ukraine phải đối mặt hiện nay phức tạp hơn nhiều. Trên khắp các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, ở tiền tuyến cũng như ở các thành phố phía sau, Nga đã dựng lên hàng loạt hàng rào phòng thủ chưa từng thấy ở châu Âu kể từ Thế chiến II.
Javier Jordan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Granada ở Tây Ban Nha và là giám đốc công ty phân tích quốc phòng Global Strategy, cùng Stephen Biddle, giáo sư tại Đại học Columbia, từng đưa ra so sánh trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm ngoái. "Không có sự khác biệt về chất trong các cấu trúc phòng thủ này so với Thế chiến II", ông nhận định.
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp
Phiên bản hiện đại này của Siegfried Line trải dài từ biên giới của Nga giáp với tỉnh Lugansk ở Ukraine tới các lãnh thổ bị Moscow kiểm soát là Donetsk và Zaporizhia, theo dòng sông Dnipro ngang qua thành phố Kherson từng được Kiev giành lại và kết thúc ở cửa ngõ đến bán đảo Crimea.
Theo John Helin, một nhà sử học và nhà phân tích quân sự Phần Lan, Nga cũng đã củng cố các thành phố mà họ kiểm soát, biến chúng thành cứ điểm phía sau phòng tuyến. Điều này đồng nghĩa lực lượng Ukraine sẽ phải tấn công và giành lại từng khu vực một, nhằm tránh bỏ sót quân đội Nga ở hậu phương của chính họ.
Ông Helin cho biết, các rào cản phòng thủ do Nga dựng lên tương tự những chướng ngại vật được triển khai cách đây 80 năm, mặc dù dễ vượt qua hơn. Ví dụ, răng rồng không được đào chôn xuống đất như trong Thế chiến II, mà được đặt trên bề mặt và có thể dễ dàng loại bỏ bằng máy đào. Các boong-ke được thiết kế tương tự, không có móng ngầm hoặc tường kiên cố. Chúng được đúc sẵn và chủ yếu đặt dọc theo các con đường để làm nơi trú ẩn cho những tay súng bắn tỉa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Anh, tuyến phòng thủ của Nga vẫn rất kiên cố, đặc biệt là ở mặt trận Zaporizhia, nơi Ukraine được cho là sẽ thực hiện phản công để hướng về Melitopol và Biển Azov.
Ở Zaporizhia và khu vực bị Nga kiểm soát thuộc tỉnh Kherson (miền Nam Ukraine), Nga đã xây dựng 3 tuyến phòng thủ song song dài 120km, mỗi tuyến cách nhau khoảng 15km và tất cả đều theo cùng một hệ thống: tuyến chiến hào đầu tiên có dây thép gai, đi trước bằng bãi mìn, rồi đến răng rồng, hào chống tăng.
Ukraine dường như đang cân nhắc tấn công đổ bộ ở mặt trận phía Nam, băng qua sông Dnipro, một phương án mà hầu hết hầu hết giới chuyên gia cho rằng khó khả thi. Thống đốc vùng Kherson, ông Vladimir Saldo, cho hay Kiev đang tích lũy lực lượng đổ bộ ở bờ phía tây của con sông.
Chuyên gia Jordan và Helin nhấn mạnh, nỗ lực tấn công vào nhiều đường hào, bãi mìn và chướng ngại vật bằng các tổ súng máy sẽ không hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ của pháo binh.
Về phía Ukraine, để chuẩn bị cho kế hoạch phản công, giới chức nước này kêu gọi phương Tây đẩy nhanh và tăng quy mô viện trợ cho họ. Ngoài xe tăng và hệ thống phòng không, Kiev cũng cần các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ và các đồng minh chưa sẵn sàng chuyển máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây cho Kiev.