1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hé lộ tài sản của gia tộc Kennedy

(Dân trí) - Tài sản của dòng họ Kennedy không chỉ tiếp lửa cho các chiến dịch tranh cử của các anh trai cố nghị sỹ mới qua đời Edward Kennedy; cho 8 nhiệm kỳ của chính ông trong Thượng viện, mà còn giúp lèo lái di sản của dòng họ chính trị nổi tiếng nhất Mỹ này.

 

Hé lộ tài sản của gia tộc Kennedy  - 1
Cố thượng nghị sỹ Edward Kennedy.

 

Câu hỏi được đặt ra là “con sư tử” Edward Kennedy giàu tới mức nào khi ông qua đời ở tuổi 77 vào hôm thứ ba tuần trước, sau một năm dài chiến đấu với căn bệnh ung thư não?

 

Rõ ràng là tài sản của một dòng họ nổi tiếng từ những ngày đầu của thế kỷ trước rất khó nắm bắt, nhưng những báo cáo tài chính hàng năm mà Edward Kennedy phải đệ trình cho liên bang hé lộ một phần nào về khối tài sản cá nhân của ông.

 

Là một thượng nghị sỹ Mỹ, Kennedy nhận được khoản lương cứng là 165.200 USD/năm. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong khối tài sản của ông.

 

Trong bản báo cáo tài chính gần đây nhất vào năm 2008, gồm cả các tài sản của riêng ông và vợ cùng những người phụ thuộc khác, Edward Kennedy đã liệt kê một loạt tài sản và những khoản kinh doanh công khai cũng như không công khai khác. Theo luật, ông chỉ phải phải liệt kê giá trị của những tài sản này theo các mức, chứ không phải đưa ra số tiền chính xác.

 

Báo cáo cho thấy tài sản kinh doanh công khai của ông rơi vào khoảng thấp nhất là 15 triệu USD và cao nhất là 72,6 triệu USD.

 

Trong khi đó mới chỉ một năm trước, Kennedy thông báo tổng tài sản kinh doanh công khai của ông rơi vào khoảng từ 46,9 triệu USD tới 157 triệu USD.

 

Ngoài ra, Edward Kennedy còn có các nguồn thu nhập khác, trong đó gồm gần 2 triệu USD tiền nhuận bút của nhà xuất bản cuốn hồi kỳ True Compass dự định ra mắt vào giữa tháng 9 tới. Một phần tiền này sẽ dùng làm từ thiện, trong đó có thư viện tổng thống John F. Kennedy, anh trai của ông.

 

Song tài sản chính của ông là xuất phát từ cha ông và “ông tổ” Joseph P. Kennedy, những người thu được rất nhiều tiền của ở các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, rượu, phim ảnh, cổ phiếu trên Phố Wall. Trong những năm 1980, số tài sản ước tính của dòng họ Kennedy đã lên tới 500 triệu USD.

 

Một phần tài sản quan trọng có được là nhờ quyết định của  Joseph P. Kennedy vào năm 1945, mua trung tâm thương mại Merchandise Mart nổi tiếng ở Chicago với giá 12,5 triệu USD. Tòa nhà  này giữ danh hiệu lớn nhất thế giới cho tới khi Lầu Năm Góc được xây sau đó.

 

Kennedy cha sau này đã giúp biến tòa nhà  thành một trung tâm nội thất và thiết kế quốc gia.

 

Dòng họ Kennedy sở hữu tòa nhà Merchandise Mart cho tới tận năm 1998 mới bán nó đi cùng với các tài sản khác, như Trung tâm Apparel của Chicago, trải rộng trên một diện tích hàng triệu mét vuông, với giá 625 triệu USD. Đây là thời điểm thị trường bất động sản đang bùng nổ.

 

Và nhờ vụ bán chác đó mà các thành viên thừa kế trong dòng Kennedy nhận được cổ phần ở một trong những công ty đầu tư bất động sản lớn nhất Mỹ. “Một người họ hàng đã nhắc cho tôi câu nói của ông nội tôi rằng: “Chỉ có kẻ ngốc mới đợi đồng đô la đến”, Christopher Kennedy, con trai của cố thượng nghị sỹ Robert Kennedy cho biết trên tạp chí Phố Wall lúc đó.

 

John F. Kennedy Jr., cũng đã từng đùa về các bất động sản của gia đình mình khi anh đến Chicago vào năm 1996 để khai trương tạp chí George. “Những năm 1940, gia đình tôi mua Merchandise Mart. Những năm 1970 chúng tôi mua Trung tâm Apparel. Và trong cuộc bầu cử năm 1960, gia đình tôi mua 20.000 lá phiếu.” – anh ám chỉ đến chiến thắng sát nút của cha mình.

 

Còn với Edward Kennedy, gia sản là để hỗ trợ thêm quyết tâm mở rộng chương trình y tế cho mọi người ông đã dày công theo đuổi trong suốt 8 nhiệm kỳ tại thượng viện.

 

Quyết tâm ấy xuất phát từ chính trải nghiệm đau đớn của ông.

 

Trong một bài viết trên tạp chí Newsweek một tháng trước khi qua đời, Kennedy nhớ lại gia đoạn kinh khủng mà con trai Teddy Jr. phải trải qua năm 1973, khi điều trị ung thư xương, khiến cuối cùng Teddy bị cưa mất chân phải.

 

Quá trình thử nghiệm, gồm hóa trị liệu liều cao, mới đầu được miễn phí, trừ gia đoạn cuối, khi bệnh nhân có dấu hiệu khỏi. Điều đó buộc một số gia đình phải dựa vào bảo hiểm hoặc phải vét sạch tiền để chữa trị.

 

Kennedy có nguồn lực dồi dào, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy.

 

“Những ông bố bà mẹ đau khổ đã cầu cứu bác sỹ: Con tôi có cơ hội gì nếu tôi chỉ có đủ tiền chữa trị một nửa? Hoặc 2/3? Tôi đã bán hết mọi thứ. Tôi đã đi thế chấp hết mức có thể”, Kennedy viết. “Sẽ không một bậc cha mẹ nào phải chịu đau đớn, dằn vặt về điều đó. Không ai phải chịu như vậy ở trong đất nước này”, Kennedy viết.

 

Phan Anh

Theo AP