1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hé lộ hình ảnh "rồng lửa" S-300 Nga nghi trực chiến tại Syria

(Dân trí) - Một công ty vệ tinh của Israel đã công bố hình ảnh được cho là 3/4 tổ hợp phòng không S-300 của Nga đã ở trong tình trạng sẵn sàng trực chiến tại Syria.

Hé lộ hình ảnh rồng lửa S-300 Nga nghi trực chiến tại Syria - 1

Ba tổ hợp S-300 đã dựng đứng trong khi 1 tổ hợp vẫn đang phủ bạt (Ảnh: ImageSat)

Công ty ImageSat International của Israel ngày 5/2 đã công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy 3 bệ phóng của hệ thống phòng không S-300 Nga chuyển tới Syria đã được dựng lên thẳng đứng.

“Dựa vào tình hình căng thẳng ở khu vực hiện tại và các bệ phóng đã được dựng lên, các hệ thống phòng thủ dường như đã được đưa vào hoạt động và đang sẵn sàng trực chiến.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ vì sao vẫn còn 1 bệ phóng được phủ kín bởi một tấm bạt ngụy trang. Hiện tượng này khá hiếm gặp và đặt ra câu hỏi về mức độ hoạt động của toàn bộ các hệ thống cũng như của tổ hợp được phủ kín, ImageSat nhận định.

Theo công ty Israel, các hệ thống S-300 được triển khai ở phía tây bắc thị trấn Masyaf. Hiện thời, Nga và Syria vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Căng thẳng giữa Israel và Syria đã gia tăng sau sự kiện ngày 20-21/1 khi quân đội nhà nước Do Thái liên tiếp thực hiện các cuộc không kích nhằm vào khu vực mà họ mô tả là các mục tiêu quân sự của Iran tại sân bay Damascus. Quân đội Nga xác nhận phòng không Syria đã bắn hạ được 30 tên lửa hành trình và bom dẫn đường của Israel.

Ngày 2/10/2018, phía Nga thông báo rằng họ đã chuyển hệ thống phòng không S-300 cùng hàng chục khí tài khác như radar, xe quân sự, bệ phóng tên lửa cho quân đội Syria để tăng cường an ninh cho lực lượng quân sự Nga ở đây. Việc bàn giao này nhằm bảo vệ lực lượng của Nga ở Syria sau vụ máy bay trinh sát Il-20 bị hệ thống phòng không Syria bắn nhầm hồi giữa tháng 9. Nga đổ lỗi vụ việc cho Israel vì các máy bay Israel đã tạo ra tình huống nguy hiểm dẫn đến sự cố trên.

Đức Hoàng

Theo Sputnik