1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hé lộ căn phòng đặc biệt dành cho các nhà ngoại giao Mỹ tại Triều Tiên

(Dân trí) - Mặc dù Mỹ và Triều Tiên không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, song các nhà ngoại giao Mỹ vẫn có thể duy trì hiện diện tại một căn phòng đặc biệt ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Hé lộ căn phòng đặc biệt dành cho các nhà ngoại giao Mỹ tại Triều Tiên - 1

Trụ sở đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP)

Các nhà ngoại giao Thụy Điển tại Triều Tiên vẫn dành một căn phòng đặc biệt để phía Mỹ có thể sử dụng trong trường hợp Washington quyết định duy trì hiện diện chính thức tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Căn phòng không có biển hiệu và hơi ẩm mốc nằm cạnh trụ sở của đại sứ quán Thụy Điển tại khu ngoại giao ở Bình Nhưỡng. Suốt nhiều năm nay, căn phòng này bị bỏ trống một cách khác thường.

Trên một chiếc kệ đặt trong phòng là tờ báo Pyongyang Times (Thời báo Bình Nhưỡng) được phát hành từ thời cố lãnh đạo Kim Jong-il và cựu Tổng thống Bill Clinton khi quan hệ Mỹ - Triều đang ở giai đoạn hòa dịu.

Ở phần cao nhất của kệ là tờ báo được phát hành mới hơn với bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump ở trang nhất.

Căn phòng này dường như vẫn giữ nguyên hiện trạng kể từ sau bản thỏa thuận được ký từ năm 1995, trong đó cho phép Thụy Điển giữ vai trò “bảo hộ” cho Mỹ tại Triều Tiên.

Vào thời điểm đó, Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm. Tuy nhiên, do Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bình Nhưỡng nên không có đại sứ quán tại đây. Do vậy, việc chuẩn bị một cơ sở cho Mỹ tại Triều Tiên được cho là một ý tưởng hay.

Khi Mỹ và Triều Tiên bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán nghiêm túc trong thời gian gần đây, khả năng Triều Tiên cho Mỹ thuê một căn phòng để duy trì hiện diện tại Bình Nhưỡng lại được đưa lên bàn đàm phán.

Hé lộ căn phòng đặc biệt dành cho các nhà ngoại giao Mỹ tại Triều Tiên - 2

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Việt Nam (Ảnh: Reuters)

Trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần một diễn ra tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, một đề xuất thiết lập văn phòng đại diện của Mỹ tại Bình Nhưỡng đã được đưa ra. Tổng thống Donald Trump dường như vẫn ủng hộ ý tưởng này khi ông gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam hồi tháng trước trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai.

“Đây thực sự không phải là ý tưởng tồi”, ông Trump nói khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ngồi đối mặt nhau trên bàn đàm phán.

“Tôi nghĩ đó là điều đáng hoan nghênh”, ông Kim Jong-un đáp lại thông qua phiên dịch viên.

Phóng viên của AP được phép vào thăm căn phòng đặc biệt dành cho Mỹ bên trong đại sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên, song họ không được phép chụp ảnh. Theo AP, căn phòng này sẽ được dùng làm “phòng lợi ích” cho Mỹ.

Theo ngôn ngữ ngoại giao, “phòng lợi ích” thấp hơn văn phòng đại diện một bậc và văn phòng đại diện thấp hơn đại sứ quán một bậc.

Phòng lợi ích được thiết lập giữa các quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức. Đây là những nước có mối quan hệ căng thẳng nhưng vẫn cần giữ liên lạc với nhau.

Giống như phòng lợi ích của Mỹ theo thỏa thuận với Thụy Điển, các phòng lợi ích thường được đặt bên trong đại sứ quán của một nước thứ ba có quan hệ ngoại giao với cả hai bên. Mỹ vẫn duy trì các phòng lợi ích tại một số nước như Cuba trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Iran.

Hàn Quốc là nước ủng hộ ý tưởng thành lập phòng lợi ích của Mỹ tại Triều Tiên. Hàn Quốc đã mở một văn phòng đại diện của nước này tại thành phố Kaesong của Triều Tiên vào tháng 9 năm ngoái. Trước đó, Hàn Quốc và Triều Tiên thường sử dụng các kênh liên lạc như điện thoại hay fax. Tuy nhiên các kênh này thường bị cắt đứt khi căng thẳng giữa hai nước lên cao.

Trước đây, Mỹ và Triều Tiên từng nhất trí mở văn phòng đại diện.

Lynn Turk, một quan chức Mỹ từng tham gia các cuộc đàm phán về lập văn phòng đại diện vào năm 1994, đã chia sẻ trong một bài viết trên trang mạng 38 North rằng Mỹ và Triều Tiên nhất trí duy trì 7 người tại văn phòng đại diện. Không gian của văn phòng sẽ mở rộng khi mối quan hệ giữa hai nước được tăng cường và mục tiêu của cơ sở này là tiến tới việc hai bên trao đổi đại sứ quán cũng như các đại sứ của nhau.

Theo ông Turk, các quan chức Triều Tiên đã đi thăm không gian văn phòng tại Washington và khảo sát một số phương án nhà ở tại Washington và bắc Virginia. Phía Triều Tiên lo ngại về chi phí thuê nhà. Họ hài lòng với những ngôi nhà có không gian lớn hơn nhưng chi phí thuê thấp hơn tại Washington. Mặc dù vậy, họ để ngỏ khả năng lựa chọn địa điểm thuê ở bắc Virginia.

Cuộc đàm phán về việc thiết lập văn phòng đại diện giữa Mỹ và Triều Tiên bị trì hoãn vô thời hạn vào năm 1995. Một trong những rào cản lớn của các cuộc đàm phán là trên danh nghĩa, Mỹ và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến và các bên vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình.

Các cuộc thảo luận trước đây giữa Mỹ và Triều Tiên cũng đã đề cập tới việc bằng cách nào để người Mỹ có thể được phép ra vào Triều Tiên. Bình Nhưỡng không đồng tình với ý tưởng cho phép người Mỹ đi qua khu phi quân sự liên Triều, nơi được vũ trang dày đặc và chia tách biên giới Hàn - Triều.

Ngoài ra, hai nước cũng gặp phải một số vấn đề khác nhỏ hơn trong quá trình đàm phán.

Không có nhiều cơ sở ngoại giao nước ngoài đặt tại Bình Nhưỡng. Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng, cùng với Đại sứ quán Anh, đều nằm trong khuôn viên của Đại sứ quán Đức. Việc lập một phòng lợi ích không cần thiết đòi hỏi những thay đổi lớn, tuy nhiên theo thỏa thuận hiện thời, Thụy Điển sẽ không chịu trách nhiệm về lợi ích của Mỹ tại Bình Nhưỡng một khi văn phòng đại diện của Washington được thiết lập.

Thành Đạt

Tổng hợp

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm