1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Hãy cứu lấy hành tinh"

(Dân trí) - Tại vòng đàm phán về vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu vừa được khai mạc hôm 31/3 vừa qua tại Bangkok, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã kêu gọi chính phủ các nước "hãy cứu lấy hành tinh" của chúng ta.

Phát biểu trước các đại biểu, ông Ban khẳng định “Cứu lấy hành tinh đòi hỏi các bạn phải tận tâm với những ý định của mình và tận lực để đạt được mục đích đề ra”.

Vòng đàm phán này dự định sẽ kéo dài 1 tuần, chủ yếu nhằm đưa ra chương trình nghị sự cho các vòng đàm phán tiếp theo và không có mấy hy vọng về bước đột phá cụ thể nào cho vấn đề nóng lên khí hậu toàn cầu.

Các vòng đàm phán sẽ kéo dài tới cuối năm 2009 nhằm đạt được hiệp định mới về vấn đề khí hậu toàn cầu, bắt đầu có hiệu lực vào năm 2012, thời điểm Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực.

Thách thức chính đối với các nhà đàm phán trong 21 tháng tới là làm sao đưa Mỹ quay trở lại với hệ thống toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải. Nước này đã ký kết song vẫn chưa thông qua Nghị định thư Kyoto.

Bà Angela Anderson, thuộc tổ chức từ thiện Pew Charitable Trusts (Mỹ), cho biết các nhà đàm phán đang theo dõi chiến dịch bầu cử tại Mỹ và hy vọng vào sự thay đổi chính sách khí hậu của Mỹ trong tương lai.

Cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 khi cuộc đàm phán này đi được nửa chặng đường, do đó có nhiều khả năng tiến trình đàm phán sẽ chậm lại cho tới khi tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức. Theo thăm dò, người dân Mỹ ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề nóng lên của trái đất so với những ngày đầu của chính quyền Bush.

Tuy nhiên Mỹ không phải là trở ngại duy nhất đối với tiến trình đàm phán. Các bên vẫn còn nhiều bất đồng về vai trò của các quốc gia giàu và nghèo trong việc cắt giảm lượng khí thải.

Hơn nữa, giữa các nước giàu vẫn còn tồn tại bất đồng đáng kể. Tuần trước, phó thủ tướng phụ trách thương mại Nhật Bản, ông Takao Kitabata cho biết tiêu chuẩn xác định mức cắt giảm khí thải của Nghị định thư Kyoto “hoàn toàn bất công”.

Các bên cũng không nhất trí về khoản tài trợ cho các nước đang phát triển. Thỏa thuận đạt được tại khu nghỉ mát Bali, Indonesia vào tháng 12 năm ngoái nhằm kêu gọi các nước giàu giúp đỡ tài chính để nghiên cứu công nghệ làm sạch và các loại năng lượng thay thế tại các nước đang phát triển.
 
Nhật Lệ
Theo IHT