1. Dòng sự kiện:
  2. Ông Trump bị ám sát hụt
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hành trình rủi ro của những người Trung Quốc đi tìm "giấc mơ Mỹ"

CTV

(Dân trí) - Hàng nghìn người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu chấp nhận hành trình nguy hiểm dài hàng nghìn km để vượt biên trái phép vào biên giới phía nam nước Mỹ, Al Jazeera đưa tin.

Hành trình rủi ro của những người Trung Quốc đi tìm giấc mơ Mỹ - 1

Những người di cư thuộc nhiều quốc tịch khác nhau phải đi bộ xuyên rừng rậm Colombia và Mexico, trên con đường chinh phục giấc mơ Mỹ (Ảnh: Nikkei).

Theo hãng tin Al Jazeera, năm ngoái, doanh nhân người Trung Quốc Li Xiaosan và con trai của ông đã di chuyển 5.000km qua vùng Trung Mỹ để đến nước Mỹ.

Ở Colombia, họ đã bị cướp bằng súng và mất gần như toàn bộ đồ có giá trị. Ở Panama, họ phải băng qua rừng rậm và đầm lầy nguy hiểm, và ở Mexico, họ thực hiện chuyến hải trình nguy hiểm kéo dài 12 tiếng.

Vào đêm giao thừa Tết Âm lịch, họ gọi video cho những người thân tại Trung Quốc. Ông đã động viên khi con trai bật khóc.

Ông Li và con trai là 2 trong số 37.000 công dân Trung Quốc bị bắt do vượt biên trái phép tại biên giới phía nam nước Mỹ vào năm 2023. Hiện nay, ngoài người dân từ các nước Mỹ Latinh thì những người Trung Quốc này là nhóm đông nhất cố gắng thực hiện chuyến hành trình hiểm trở. Những người như ông Li đều từng thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. 

Cuộc sống của ông Li ở Trung Quốc từng rất lý tưởng. Người đàn ông 44 tuổi này từng tốt nghiệp đại học và thành lập công ty kinh doanh sản phẩm da. Ông từng sở hữu nhiều căn hộ và cho hai con trai học trường quốc tế ở Thái Lan.

Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, cuộc sống thoải mái của ông bị đảo lộn. Đơn đặt hàng từ khách hàng quốc tế cạn kiệt và công việc kinh doanh của ông sụp đổ.

Cuộc sống không còn thuận lợi đã khiến ông Li nghĩ đến việc tìm đường sang Mỹ. Ông và con trai đã tới bang Texas của Mỹ vào tháng 2 năm ngoái. Họ bị cơ quan biên phòng Mỹ giam giữ trong 5 ngày, trước khi được thả và tiếp tục đến điểm đến cuối cùng, New York, nơi họ đang sống.

Nhiều người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu vượt hàng nghìn km đến Mỹ là người có trình độ đại học, đã từng có sự nghiệp tại Trung Quốc.

Đa số những người này nằm trong khoảng 30-50 tuổi, họ lớn lên trong thời kỳ Trung Quốc bắt đầu có sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng và kết nối với những nơi khác trên thế giới. Nhưng hiện tại họ cảm thấy cuộc sống ở Trung Quốc khó khăn hoặc không còn phù hợp và cho rằng Mỹ mang tới cho họ những cơ hội hấp dẫn hơn. Vì vậy, họ quyết định theo đuổi "giấc mơ Mỹ".

Kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa do Covid-19, sự khôi phục kinh tế đã không thể đạt được kỳ vọng. Vào năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đạt được mục tiêu khi tăng trưởng 5,2%, nhưng những lo ngại về tăng trưởng chậm vẫn hiện hữu khi thị trường bất động sản khủng hoảng và nợ ở mức cao. 

Ông Wang Vincent đang ở Mexico chờ đợi một cuộc hẹn để xin tị nạn tại Mỹ. Ông từng điều hành một nhà nghỉ ở Đại Lý, tây nam Trung Quốc.

Trước đại dịch, nhà khách của ông thường kín chỗ, mang lại lợi nhuận trung bình hàng tháng là 4.000 USD. Nhưng hoạt động kinh doanh sụt giảm vì dịch và tốc độ hồi phục kinh tế chậm chạp khiến công việc làm ăn của ông Wang gặp khó khăn.

"Mọi người không còn nhiều tiền trong tay nữa. Họ không chi tiêu nhiều nữa", ông nói với Al Jazeera.

Năm ngoái, ông đã bắt đầu thu thập thông tin về tuyến đường di chuyển vào Mỹ từ vùng Trung Mỹ trên Telegram, nơi những người Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong hành trình thực hiện giấc mơ Mỹ. Đầu năm nay, ông bay tới Ecuador và di chuyển đến Mỹ.

Chặng đường gian nan

Ecuador từng là cầu nối tới nước Mỹ cho người nhập cư Trung Quốc vì chính sách miễn thị thực du lịch. Vào năm 2023, Ecuador thống kê có khoảng 24.000 công dân Trung Quốc nhập cảnh, tăng gấp 2 lần so với 5 năm trước.

Vào ngày 1/7, Ecuador đã đình chỉ việc miễn visa nhập cảnh cho người Trung Quốc do số lượng nhập cư bất thường tăng lên, nhưng dư luận cho rằng điều này không thể ngăn việc người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ thông qua các nước Trung Mỹ. Người nhập cư Trung Quốc đang cân nhắc tới việc đi tới Mỹ thông qua các nước trung gian khác như Bolivia và Mexico.

Đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc như ông Wang và Li, cơ hội di cư sang Mỹ rất hạn chế. Trong khi những người Trung Quốc giàu có hơn lựa chọn thị thực đầu tư thì những người ít tiền hơn lại gặp khó khăn để có được thị thực Mỹ.

Tỷ lệ từ chối của công dân Trung Quốc xin thị thực du lịch và công tác Mỹ là 27% vào năm ngoái, cao hơn so với trước đại dịch. Và do lượng hồ sơ tồn đọng rất lớn nên thời gian chờ đợi hẹn phỏng vấn cũng kéo dài.

Cả ông Li và Wang đều cho rằng những khó khăn trong việc xin thị thực du lịch Mỹ là một trong những lý do khiến họ bắt đầu chuyến đi đầy nguy hiểm qua châu Mỹ.

Ngoài ra, với những người trung lưu đã bước sang tuổi trung niên tại Trung Quốc, quyết định rời khỏi quê hương đi kèm với sự hy sinh cá nhân to lớn khi họ phải rời bỏ gia đình, người thân.

Vì lo ngại về an toàn, ông Li đã bỏ lại vợ và con trai nhỏ. Ông cũng phải rời đi khi người cha đang bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. "Bố tôi vốn đã rất yếu. Tôi biết nếu rời Trung Quốc, tôi sẽ không bao giờ gặp lại ông ấy nữa", ông nói, cho biết cha ông đã qua đời vài tháng sau khi con trai tới Mỹ. 

Người nhập cư Trung Quốc không giấy tờ cũng gặp phải những khó khăn khi họ đặt chân tới Mỹ. Vào tháng 6 năm ngoái, lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles đã ra thông báo rằng nhiều người Trung Quốc nhập cư không giấy tờ đến Mỹ đã phải quay trở lại quê nhà, vì họ không có tư cách pháp lý hoặc kiếm đủ thu nhập.

Trong khi đó, những người đã đến nước Mỹ như ông Li đang làm những công việc chân tay đầy khó khăn để kiếm sống và mong sớm ngày được đoàn tụ với gia đình.

Phương Ngân

Theo Al Jazeera