1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Câu chuyện đau lòng về giấc mơ Mỹ sau bức ảnh cha con di dân chết úp mặt

(Dân trí) - Bức ảnh gây chấn động chụp hai cha con bị chết đuối tại biên giới Mỹ - Mexico đã cho thấy mặt trái đau đớn của làn sóng di cư trong hành trình đi đến “miền đất hứa”.

Câu chuyện đau lòng về giấc mơ Mỹ sau bức ảnh cha con di dân chết úp mặt - 1

Bức ảnh cho thấy thi thể bé gái chui vào trong áo cha, trong khi tay khoác vào cổ cha tại bờ sông Rio Grande. (Ảnh: AP)

Julia Le Duc là phóng viên của báo La Jornada tại thành phố Matamoros, Mexico, nơi nằm cạnh sông Rio Grande. Phía bên kia sông là vùng Brownsville, bang Texas, Mỹ.

Những bức ảnh gây sốc do Julia chụp lại gần đây cho thấy thi thể của hai cha con người El Salvador nằm bên bờ sông trong tình trạng úp mặt xuống nước. Hình ảnh thương tâm này đã nhanh chóng trở thành chủ đề gây chấn động về cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực biên giới phía nam nước Mỹ.

Theo lời kể của Julia, cô và các đồng nghiệp nhận được một cuộc gọi khẩn cấp vào ngày 23/6. Cuộc gọi thông báo về trường hợp của một người phụ nữ đang trong tình trạng hoảng loạn ở gần sông Rio Grande.

Sau khi nhận được cuộc gọi, Julia đã tới bờ sông và bắt gặp một người phụ nữ đang gào thét. Người này nói rằng con gái cô đã bị chết đuối trên sông.

“Sau đó, chúng tôi tìm hiểu được tên của cô ấy là Vanessa Avalos. Chúng tôi cũng nghe cô ấy nói với các sĩ quan rằng, gia đình cô đã tới Mexico trong hai tháng và muốn xin tị nạn vào Mỹ”, Julia kể lại.

Người phụ nữ nói với Julia rằng cô cùng chồng và con gái đã ở Tapachula, phía nam Mexico và nộp đơn xin cấp thị thực nhân đạo. Thị thực này cho phép cả gia đình ở lại Mexico trong một năm. Tuy nhiên, điều họ thực sự mong muốn là giấc mơ Mỹ, do vậy cả gia đình đã bắt xe buýt lên khu vực biên giới Mỹ - Mexico.

Vanessa Avalos cùng chồng, Alberto Martinnez, và con gái Valeria đã tới biên giới vào sáng 23/6, sau đó đi thẳng tới cây cầu biên giới để hỏi về việc nộp đơn xin tị nạn. Tuy nhiên, văn phòng di trú Mỹ đóng cửa vì hôm đó là cuối tuần, trong khi nhiều người khác cũng đang xếp hàng trước họ để chờ nộp đơn xin tị nạn.

Vài tháng trước, có khoảng 1.800 người xếp hàng tại Matamoros để phỏng vấn xin tị nạn. Con số này hiện giảm xuống còn 300 người, tuy nhiên chỉ có 3 suất phỏng vấn mỗi tuần. Do vậy, gia đình Vanessa xác định phải chờ rất lâu trước khi đến lượt họ.

Khi cả gia đình quyết định rời khỏi cây cầu, Martinez bỗng dừng lại và nhìn về phía con sông.

“Đây là nơi chúng ta sẽ vượt qua”, Martinez nói.

Martinez đưa con gái Valeria 2 tuổi qua sông trước và đặt cô bé bên bờ Mỹ, sau đó quay lại đón vợ. Tuy nhiên, Valeria bất ngờ nhảy xuống nước để bám theo cha. Khi Martinez quay lại để cứu con gái, cả hai đã bị nước cuốn trôi.

Một số người đã gọi lực lượng cứu hộ và cuộc tìm kiếm kéo dài tới 23 giờ đêm. Tuy nhiên, ngay cả với sự trợ giúp của thuyền và đèn, họ cũng thể tìm thấy hai cha con ở bờ sông.

“Vào buổi sáng hôm sau, họ tiếp tục tìm kiếm. Tới 10h15 sáng 24/6, lính cứu hỏa tìm thấy thi thể của hai cha con. Đó là lúc tôi chụp các bức ảnh, trước khi hiện trường bị phong tỏa”, nữ phóng viên kể lại thời điểm chụp bức ảnh gây chấn động.

Câu chuyện đau lòng về giấc mơ Mỹ sau bức ảnh cha con di dân chết úp mặt - 2

Các nhà chức trách phong tỏa khu vực phát hiện thi thể cha con người di cư tại biên giới Mỹ - Mexico. (Ảnh: AP)

Rosa Ramirez, mẹ của Alberto Martinnez, đã chia sẻ thông tin về vụ việc sau khi nói chuyện với con dâu qua điện thoại.

“Khi con bé (Valeria) nhảy xuống nước, Martinnez tìm cách kéo con bé, nhưng càng cố gắng túm lấy con bé, Martinnez càng trôi xa hơn… và cuối cùng không thể quay về. Martinnez đặt con gái vào trong áo, và tôi tưởng tượng ra cảnh nó nói với chính mình rằng “Đã đến nước này rồi” và quyết định đi cùng con gái”, bà Ramirez nói.

Julia cho biết cô là phóng viên đi theo cảnh sát từ nhiều năm nay và từng chứng kiến nhiều thi thể, trong đó có nhiều trường hợp bị chết đuối. Theo Julia, Rio Grande là dòng sông chảy xiết. Mọi người thường nghĩ sông này nông, nhưng tại đây có nhiều sóng và xoáy nước.

“Bạn tưởng rằng mình đã chai lì cảm xúc, nhưng khi bạn nhìn thấy những cảnh như thế này, chúng khiến bạn xúc động trở lại. Bạn nhìn thấy hình ảnh người cha đặt con gái vào trong áo của mình để dòng nước không cuốn con đi. Anh đấy đã chết để cứu mạng con gái mình”, Julia chia sẻ với Guardian.

Julia nói rằng cô bị ám ảnh khi nhìn thấy cô bé 2 tuổi vòng tay ôm cổ cha mình vào thời điểm hai thi thể được tìm thấy.

“Đó là điều khiến tôi cực kỳ xúc động, vì điều đó cho thấy rằng ngay cả khi trút hơi thở cuối cùng, cô bé vẫn gắn kết với cha mình không chỉ bởi chiếc áo, mà còn bởi cái ôm khi họ qua đời cùng nhau”, nữ phóng viên cho biết.

“Liệu câu chuyện này có thay đổi bất kỳ điều gì không? Nó nên thay đổi. Những gia đình này không có gì trong tay cả. Họ đánh đổi tất cả mọi thứ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu những cảnh tượng này không khiến chúng ta suy nghĩ lại, nếu chúng không làm lay chuyển những người hoạch định chính sách, thì xã hội của chúng ta đang đi theo chiều hướng xấu”, Julia nhận định.

Maureen Meyer, chuyên gia về di trú tại Văn phòng Washington về Mỹ Latinh, một tổ chức ủng hộ nhân quyền trong khu vực, cho rằng “đây là bức ảnh kinh hoàng”.

“Bức ảnh đã nói rất rõ về những nguy cơ thực sự của các chương trình (di trú) tại Mỹ, trong đó hoặc đưa mọi người trở lại Mexico để xin tị nạn, hoặc trong trường hợp này là giới hạn số người được nhập cảnh vào Mỹ mỗi ngày”, Maureen Meyer cho biết.

Thành Đạt

Theo Guardian, Aljazeera

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm