1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hành trình mất tích khả nghi của tàu tìm kiếm MH370

(Dân trí) - Hàng loạt giả thuyết được đưa ra liên quan đến vụ mất tích bí ẩn 3 ngày của tàu Seabed Constructor tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.


Tàu Seabed Constructor tham gia tìm kiếm máy bay MH370 theo hợp đồng không thấy, không lấy tiền. (Ảnh: Getty)

Tàu Seabed Constructor tham gia tìm kiếm máy bay MH370 theo hợp đồng "không thấy, không lấy tiền". (Ảnh: Getty)

Dailymail cho biết, hệ thống nhận diện tự động (AIS) của tàu tìm kiếm hiện đại Seabed Constructor của công ty Mỹ Ocean Infinity bất ngờ tắt vào hôm 31/1 chỉ 10 ngày sau khi bắt đầu tham gia chiến dịch tìm kiếm MH370.

Con tàu chỉ phát tín hiệu định vị trở lại sau 80 giờ đồng hồ, song hiện chưa rõ con tàu ở đâu trong thời gian này và lý do tại sao.

Hãng tin ABC News cho biết, trước khi con tàu tắt hệ thống định vị, nó đã di chuyển theo một đường vòng tròn bí ẩn có đường kính khoảng vài km. Điều này khiến nhiều người dùng Twitter đặt ra giả thuyết rằng liệu có gì đó bên dưới đáy biển trong khu vực vòng tròn nói trên.


Hải trình của tàu tìm kiếm MH370 (Ảnh: ABC News)

Hải trình của tàu tìm kiếm MH370 (Ảnh: ABC News)

“Tôi nghiêng về giả thuyết rằng vòng tròn đó là khu vực họ tìm ra mảnh vỡ của máy bay và con tàu di chuyển theo hướng nam để tìm kiếm chiếc máy bay. Khi họ nghĩ rằng họ đã tìm thấy chiếc máy bay thì họ tắt hệ thống AIS. Điều này thật kỳ lạ. Tôi chưa từng thấy tàu nào như vậy. Có thể đó là một chiếc máy bay không người lái rơi xuống biển”, một người dùng Twitter bình luận.

Trong khi đó, một số người đưa ra thuyết âm mưu rằng có thể con tàu đã cố tình "mất tích" để bí mật di chuyển đến khu vực gần đó, nơi có một xác con tàu "chở đầy kho báu" bị đắm hơn 100 năm trước.

Hiện Ocean Infinity cũng như chính phủ Malaysia chưa đưa ra bất cứ giải thích nào về sự “biến mất” của tàu Seabed Constructor

Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hôm 8/3/2014 cùng với 239 người trên khoang khi trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Các cuộc tìm kiếm quy mô lớn với sự tham gia của nhiều nước hơn 3 năm qua ở vùng biển trải rộng khoảng 120.000km2 vẫn không tìm ra dấu vết của chiếc máy bay. Chiến dịch này tạm ngừng vào tháng 1/2017.

Ocean Infinity đã ký thỏa thuận với chính phủ Malaysia về việc tìm kiếm MH370 với chủ trương “không thấy, không lấy tiền”, đổi lại nếu tìm thấy chiếc máy bay trong thời gian 90 ngày, họ sẽ được trả thù lao từ 20 triệu USD đến 70 triệu USD.

Seabed Constructor bắt đầu chiến dịch tìm kiếm từ ngày 22/1. Đây là loại tàu trắc đạc dân sự hiện đại nhất thế giới hiện nay. Tạp chí The Economist từng đánh giá rằng, Seabed Constructor với những công nghệ hiện đại không thể tìm thấy MH370 thì sẽ không có con tàu nào khác có thể làm được việc này.

Minh Phương

Theo Dailymail