1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bí mật tên lửa Teapodong 2 của Triều Tiên (2)

Hành trình đến “Quốc gia xuất khẩu tên lửa”

Ngày 31/8/1998, tại trung tâm thử tên lửa Musudan Ri, CHDCND Triều Tiên tiến hành một cuộc bắn thử đặc biệt đối với tên lửa Paektusan -1. Đây là lần đầu tiên loại tên lửa 3 tầng được đưa ra kiểm nghiệm.

Tên lửa đẩy Paektusan-1 được thiết kế 3 tầng có nhiệm vụ đưa một vệ tinh loại nhỏ vào vũ trụ ở tầng quĩ đạo thấp của trái đất.

 

Cuộc phóng thử tên lửa nhiều tầng của Bình Nhưỡng lần này thu hút sự theo dõi chăm chú đặc biệt của các chuyên gia vũ khí thế giới. Các vệ tinh gián điệp của Mỹ và Nhật Bản không bỏ sót một động thái nào trong suốt quá trình cuộc phóng thử này.

 

Tuy nhiên, do trục trặc, vệ tinh nhỏ mang tên Kwangmyongsong-1 đã không bao giờ được đưa vào vũ trụ dù chỉ ở tầng thấp vì đã rơi xuống biển.

 

Khi tên lửa Paektusan-1 rời bệ phóng ở trung tâm thử tên lửa Musudan Ri, các động cơ hoạt động rất tốt. Tầng 1 của tên lửa đẩy làm việc hoàn hảo, tách ra ở vị trí cách bệ phóng khoảng 300 km về phía đông. Tầng 2 của tên lửa đẩy cũng làm việc tốt đúng như chương trình đã cài đặt. Tầng 2 tách ra rơi xuống Thái Bình Dương ở vị trí cách cảng Hachinohe của Nhật Bản khoảng 330 km về phía đông, sau khi tên lửa đã bay được quãng đường 1.380 km tính từ bệ phóng.

 

Nhưng tầng 3 của tên lửa đẩy đã không hoạt động như dự kiến nên không đưa được vệ tinh Kwangmyongsong-1 vào quĩ đạo trái đất như kế hoạch. Vệ tinh Kwangmyongsong nổ tung giữa đường, các mảnh vỡ của tên lửa đẩy và vệ tinh rơi rải rác trong phạm vi gần 6.400 km tính từ bệ phóng.

 

Mặc dù cuộc phóng thử này thất bại, nhưng sự kiện này cũng đủ làm cho thế giới sửng sốt trước tiến bộ nhanh chóng của ngành công nghiệp vũ khí của Bình Nhưỡng.

 

Từ đó Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác cảm thấy rõ một nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa vượt đại châu CHDCND Triều Tiên đã hiện hữu.

 

Từ nhập khẩu đến xuất khẩu

 

Tại một cuộc hội thảo quốc tế, học giả người Nga Alexander Pikayev- đồng Chủ tịch Trung tâm Carnegie tại Moscow thuộc Chương trình cấm phổ biến vũ khí-  cho rằng quả tên lửa Paektusan-1 mà CHDCND Triều Tiên bắn thử tại trung tâm Musudan Ri hôm 31/8/1998 được chế tạo dựa trên cơ sở công nghệ của Liên Xô.

 

Paektusan-1 chính là dạng tên lửa tầm ngắn Scud của Liên Xô được hiện đại hóa thêm một bước. Cơ sở công nghệ của Paektusan-1 là tên lửa Scud R-17 do Liên Xô thiết kế và chế tạo.

 

Scud R-17 là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn 300 km, mang được một đầu đạn nặng 1 tấn do Cục thiết kế Mashinostroyenie ở thành phố Miass (Urals) thuộc Liên Xô trước đây thiết kế.

 

Đây là loại tên lửa một tầng dùng nhiên liệu lỏng. Scud R-17 nặng 5,8 tấn có thể cơ động trên bệ phóng tự hành. Thời Liên Xô, Scud R-17 được nhà máy chế tạo máy móc Votkinsk sản xuất hàng loạt.

 

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhà máy Votkinsk chuyển sang sản xuất tên lửa SS-27s là loại tên lửa vượt đại châu hiện đại hơn nhiều.

 

Vậy bằng cách nào CHDCND Triều Tiên có được mẫu tên lửa Scud R-17 mặc dù Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay chưa bao giờ bán loại tên lửa này cho Bình Nhưỡng?

 

Theo học giả Alexander Pikayev, kể từ những năm 1970 Liên Xô xuất khẩu hàng trăm quả tên lửa Scud R-17E cho các nước như Iraq, Libya, Syria, và Aicập. Ngoài ra, Liên Xô còn trang bị Scud R-17E cho các nước thành viên Hiệp ước Vácsava.

 

 Khi chuyển giao loại tên lửa Scud R-17, Liên Xô luôn yêu cầu các bên nhận phải ký một bản hợp đồng cấm tái xuất khẩu và cấm cải tiến làm hiện đại hóa vũ khí này.

 

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô  sụp đổ, cả bên bán và bên mua đều công khai vi phạm những điều khoản cấm của hợp đồng nói trên. Hậu quả là người ta đã thấy xuất hiện nhiều loại vũ khí mới do Liên Xô sản xuất, trong đó có Scud R-17E tại nhiều nước không hề nhập khẩu chính thức và trực tiếp loại vũ khí đó từ LB Nga. CHDCND Triều Tiên thuộc những nước như vậy.

 

Vẫn theo ông Alexander Pikayev thì điều đáng chú ý ở đây là nước nào sau khi sở hữu tên lửa Scud R-17 cũng tìm cách cải tiến, nâng cấp nó. Những nước này bí mật hợp tác với nhau trong việc giúp nhau về tài chính, trao đổi về công nghệ tên lửa.

 

Sau một thời gian, các nước nói trên, trong đó có CHDCND Triều Tiên đã có năng lực tự sản xuất được tên lửa của mình dựa trên nền tảng công nghệ tên lửa Scud, hoặc nhận được trợ giúp kỹ thuật từ phía Trung Quốc.

 

Riêng CHDCND Triều Tiên, nước này không chỉ tự sản xuất được tên lửa cho quốc phòng trong nước mà còn xuất khẩu được nhiều thế hệ tên lửa Scud cải tiến.

 

Đầu những năm 1987, Bình Nhưỡng có năng lực mỗi tháng sản xuất được từ 8-12 quả tên lửa Scud-B. Tháng 7/1987, CHDCND Triều Tiên bán cho Iran 100 quả tên lửa Scud các loại.

 

Những năm tiếp theo, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không chỉ bán tên lửa cho Tehran mà còn giúp Iran khởi tạo ngành công nghiệp sản xuất tên lửa Scud.

 

CHDCND Triều Tiên bắt đầu xây dựng một loạt các căn cứ tên lửa có năng lực phóng tên lửa tầm xa như Paektusan-1 từ năm 1994. Đó là các căn cứ tên lửa Chiha Ri, Sangnam Ri, Yongjo Ri, Yongnim Kun khởi công từ năm 1994 đến 2003 việc xây dựng các căn cứ này cơ bản đã hoàn thành.

 

(Còn tiếp)

Theo Nguyễn Đại Phượng

Tiền phong