1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàng chục nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ẩu đả trong cuộc họp quốc hội

Đức Hoàng

(Dân trí) - Xung đột nổ ra tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vì bất đồng quan điểm về quyền miễn trừ của một nghị sĩ đã dẫn tới cuộc ẩu đả kéo dài 30 phút.

Hàng chục nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ẩu đả trong cuộc họp quốc hội - 1

Hàng chục nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào cuộc ẩu đả (Ảnh: AFP).

Hàng chục nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào một cuộc ẩu đả tại quốc hội vào hôm 17/8 khi họ tranh cãi về việc một nghị sĩ đối lập bị tước quyền miễn trừ và bị bắt giam trong năm 2024.

Cuộc ẩu đả kéo dài 30 phút, khiến ít nhất 2 nhà lập pháp bị thương, và phiên họp đã phải tạm hoãn. Cuối cùng, các nhà lập pháp đã quay lại để bỏ phiếu bác bỏ đề nghị từ phe đối lập nhằm khôi phục tư cách nghị sĩ của luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Can Atalay.

Năm 2022, ông Atalay bị phạt 18 năm tù vì cáo buộc tội lật đổ chính phủ thông qua tổ chức biểu tình. Ông Atalay đã thắng ghế nghị sĩ trong cuộc bầu cử năm ngoái dù vận động tranh cử từ trong tù, giữ ghế của đảng đối lập Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ (TIP).

Mâu thuẫn nổ ra sau khi nghị sĩ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền Alpay Özalan chỉ trích Ahmet Şık, một thành viên của TIP, người đã lên án cách đối xử của chính phủ đối với ông Atalay.

Hai bên đã chỉ trích nhau với những từ ngữ rất mạnh mẽ. Sau đó, ông Özalan, một cựu cầu thủ bóng đá, đã đi đến bục phát biểu và đẩy ông Şık xuống đất. Sau đó, hàng chục nhà lập pháp đã tham gia vào cuộc ẩu đả.

Đoạn video ghi lại vụ việc cho thấy cảnh ẩu đả và sau đó nhân viên nhà quốc hội lau vết máu trên sàn nhà. Một đại biểu của đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) và một đại biểu của đảng Dân chủ và Bình đẳng Nhân dân (DEM) bị thương ở đầu.

Özgür Özel, người đứng đầu đảng đối lập CHP, đã lên án tình trạng bạo lực trong cơ quan lập pháp. "Tôi xấu hổ khi chứng kiến cảnh tượng này", ông nói. Người phát ngôn của quốc hội cho biết hai nghị sĩ gây ra vụ ẩu đả sẽ bị trừng phạt.

Ông Atalay đã bị tước ghế nghị sĩ sau một phiên họp quốc hội vào tháng 1, bất chấp sự phản đối từ một số nghị sĩ đối lập. 

Quyết định phế truất ông Atalay của quốc hội vào tháng 1 được đưa ra sau phán quyết của tòa phúc thẩm tối cao giữ nguyên bản án kết tội ông, mở đường cho việc tước quyền miễn trừ pháp lý đối với ông.

Tuy nhiên, tòa án hiến pháp - nơi xem xét liệu phán quyết của thẩm phán có tuân thủ luật cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ hay không - đã tuyên bố rằng việc bãi nhiệm ông Atalay khỏi tư cách thành viên quốc hội là "vô hiệu".

Mặc dù vậy, trong phiên bỏ phiếu hôm 16/8, đảng AKP và đảng cực hữu Phong trào Dân tộc đã hợp tác để chặn việc khôi phục tư cách nghị sĩ của ông Atalay.

Theo Guardian