1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc, Triều Tiên lần đầu “đối mặt” sau 3 năm

(Dân trí) - Các đặc phái viên hạt nhân của Triều Tiên và Hàn Quốc hôm nay đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra Bali, Indonesia. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên kể từ các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên hồi tháng 12/2008.

 
Hàn Quốc, Triều Tiên lần đầu “đối mặt” sau 3 năm - 1

Ông Ri Yong-ho (trái) và ông Wi Sung-lac bắt tay tại cuộc gặp ngày 22/7 ở Balin, Indonesia.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay cuộc gặp giữa đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Wi Sung-lac và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho bắt đầu vào khoảng 3 giờ chiều giờ địa phương.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa đặc phái viên hạt nhân của hai nước trong 2 năm và 7 tháng qua.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết họ đã họ thảo luận một loạt các vấn đề về giải trừ hạt nhân trong cuộc gặp.

Yonhap dẫn lời một nhà ngoại giao Hàn Quốc cho hay Hàn Quốc đã gửi đề xuất đàm phán với với Triều Tiên hôm 21/7 nhưng chưa nhận được câu trả lời. Tờ báo cũng nói rằng “các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ” đã được thực hiện để sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa 2 đặc phái viên.

Cuộc tiếp xúc đánh dấu liên hệ cấp cao đầu tiên giữa 2 miền Triều Tiên kể từ vòng cuối cùng của các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân hồi năm 2008 và cũng là một bước đi trong nỗ lực ngoại giao nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán.

Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc - nước chủ nhà vòng đàm phán 6 bên, đã đồng ý về một tiến trình 3 giai đoạn để các đặc phái viên từ Seoul, Bình Nhưỡng và Washington gặp nhau trước tiên trước khi các cuộc đàm phán 6 bên được nối lại.

Bình Nhưỡng đã rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên cách đây hơn 2 năm, nhưng năm ngoái đã kêu gọi nối lại.

Nhật Bản nói các cuộc đối thoại mới có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực.

“Triều Tiên vẫn là một mối đe doạ nghiêm trọng và hiện hữu đối với cộng đồng quốc tế. Nhưng chúng tôi xem các cuộc đàm phán 6 bên là một biện pháp hữu ích để gia tăng áp lực lên Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Satoru Satoh phát biểu tại Bali hôm 21/7.

Căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm khi một tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc bị chìm hồi năm ngoái, làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng về vụ tấn công nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận. Triều Tiên cũng đã nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc hồi tháng 11/2010.

An Bình
Theo Reuters