Hàn Quốc triển khai tàu tới vùng đảo tranh chấp với Nhật
(Dân trí) - Bất chấp sự phản đối của Nhật, ngày 2/7 Hàn Quốc vẫn triển khai một chiếc tàu cùng 20 thuỷ thủ tới khảo sát vùng biển quanh các hòn đảo đang tranh chấp với quốc gia mặt trời mọc.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích lời Viện nghiên cứu Hải dương học cho biết, chiếc tàu đã rời cảng Busan vào 10h30 tối ngày hôm qua, với đoàn thủ thủ 20 người.
Đây không phải là căng thẳng đầu tiên giữa Nhật và Hàn Quốc. Hồi tháng 4 vừa qua, Nhật đã chọc giận Hàn Quốc với kế hoạch khảo sát các hòn đảo này một mình, do Seoul định xin đặt tên quốc tế cho vùng đảo bằng tiếng Hàn. Nhật gọi tên các hòn đảo này là Takeshima trong khi Hàn Quốc lại gọi nó là Dokdo.
Hơn nữa, từ trước Seoul vẫn cảm thấy hậm hực với Tokyo về khoảng thời gian từ năm 1910 đến 1945 khi Hàn Quốc bị Nhật đô hộ. Trong thời gian đó, Nhật đã lấy được chủ quyền của nhiều hòn đảo trên vùng Biển Nhật Bản, hay vùng Biển Viễn đông.
Trong một diễn biến khác, hôm nay Tổng thống Hàn Quốc Roh đã thay ba bộ trưởng. Tổng thống đã bổ nhiệm các ông Kwon O-kyu, Kim Byong-joon và Chang Byoung-wan làm Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Kế hoạch và Ngân sách. |
Người đứng đầu cơ quan bảo vệ bờ biển Nhật cảnh báo họ sẽ có “những hành động thích hợp” nếu Hàn Quốc vẫn tiến hành khảo sát. Tuy nhiên, ông loại trừ khả năng bắt giữ con tàu nặng 2.500 tấn của Hàn Quốc. Còn chánh văn phòng nội các Nhật Shinzo Abe kêu gọi Hàn Quốc hãy nghĩ lại, và cho biết Seoul không hề báo với Nhật về việc khảo sát. “Điều quan trọng bây giờ là cả hai phía phải kiềm chế”, ông Abe phát biểu trong một cuộc họp báo. Và ông gợi ý đến giải pháp hai nước sẽ tiến hành nghiên cứu chung vùng biển tranh chấp này.
Cả Seoul và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo nằm giữa vùng biển hai nước. Hiện một số binh lính của Hàn Quốc đang đồn trú tại đây. Còn Nhật tuyên bố chủ quyền với chúng từ năm 1905 sau khi thắng Nga ở khu vực đó. Rồi họ tiếp tục mở rộng thôn tính và cai trị hòn đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, cho đến khi bị thảm bại trong Thế chiến II.
Nguyên Hạ
Theo AFP