1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàn Quốc sẽ tự lực hạt nhân dưới ô bảo hộ Mỹ?

Nếu Nhật Bản chỉ cần một tuần có thể tự phát triển hạt nhân dưới ô bảo hộ hạt nhân Mỹ thì Hàn Quốc liệu có khả năng này.

Tại Seoul đang xuất hiện những lời kêu gọi triển khai vũ khí nguyên tử để ngăn chặn những nỗi lo xung quanh vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 5 của Triều Tiên và thông tin Kim Jong Un đang tìm cách tiến hành một vụ thử khác tương tự ở cơ sở Punggyeri.

Lời kêu gọi này xuất hiện từ một bộ phận thành viên Đảng Saenuri đang cầm quyền đưa ra sau cuộc họp khẩn của Quốc hội Hàn Quốc tại Seoul vào ngày 12/9.

Ông Won Yoo-chul (thứ 3 từ trái sang) trong một cuộc họp khẩn về tự lực hạt nhân Hàn Quốc. Ảnh: Korea Joong Gang Daily
Ông Won Yoo-chul (thứ 3 từ trái sang) trong một cuộc họp khẩn về tự lực hạt nhân Hàn Quốc. Ảnh: Korea Joong Gang Daily

Nhóm 31 thành viên này đã ký một tuyên bố kêu gọi chính phủ áp dụng tất cả các biện pháp có thể, bao gồm trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự an toàn cho nhân dân Hàn Quốc và ngăn chặn những khiêu khích mới, ngày càng gây hấn của Bình Nhưỡng.

Ông Won Yoo-chul, một nhà làm luật cấp cao của đảng cầm quyền, cho tờ nhật báo Korea JoongAng biết: "Để bảo vệ hoà bình, chúng ta cũng cần cân nhắc tất cả các biện pháp để ngăn chặn mọi khiêu khích của Triều Tiên, bao gồm trang bị vũ khí hạt nhân vì mục đích phòng vệ”.

Ông nhận định, "cuộc khủng hoảng hạt nhân này đang có chiều hướng gia tăng” bởi Bình Nhưỡng đã phớt lờ sự lên án của quốc tế và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và tiếp tục triển khai kho chứa đầu đạn hạt nhân và các tên lửa đạn đạo để mang đầu đạn hạt nhân.

Ngày càng có nhiều người dân Hàn Quốc tin rằng những nỗ lực không ngừng trong việc liên lạc và thương lượng với Triều Tiên chỉ là con số không tròn trĩnh và Bình Nhưỡng thực sự không mảy may có ý định làm dịu bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Bum-soo, Giám đốc điều hành Tổ chức phi chính phủ Save North & Next Korea, cho hay: "Đây là lần thứ 5 Triều Tiên thực hiện thử vũ khí hạt nhân và với tất cả những gì mà các Chính phủ Hàn Quốc kế tục đã làm cho thấy họ đã không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân”.

Nhà phân tích này cho biết: "Lần này tôi không nghĩ sẽ có gì khác. Và mỗi lần cộng đồng quốc tế thất bại, thì điều đó càng cho Triều Tiên có thêm thời gian để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa”.

Vì sao lại chọn tự lực chứ không phải ô hạt nhân của Mỹ?

Phó Giáo sư chính trị học thuộc Trường đại học Cơ đốc Quốc tế Tokyo, Stephen Nagy cho rằng, tốc độ triển khai các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có nghĩa là Seoul có lý do chính đáng để lo ngại.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới Hàn Quốc năm 2013. Ảnh: Yonhap
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới Hàn Quốc năm 2013. Ảnh: Yonhap

"Rõ ràng rằng Bình Nhưỡng đã đạt nhiều tiến bộ về các dàn tên lửa đạn đạo và tên lửa phóng từ tàu ngầm cũng như chương trình hạt nhân của mình. Vì vậy, chiến lược cố gắng phản đối Triều Tiên phát triển các vũ khí này đã được chứng minh là không hiệu quả và đây là lý do Seoul đang tìm kiếm một giải pháp mới”, ông Nagy nhận xét.

Đối lập với những người tán thành chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân là những người muốn Seoul thu phục Bình Nhưỡng, dỡ bỏ lệnh trừng phạt và hy vọng chính phủ Triều Tiên tiết chế hành vi của mình.

Song những người chỉ trích phương án này chỉ ra rằng "chính sách ánh dương” trước đây của Hàn Quốc đã làm chính xác điều đó song không đạt được kết quả gì cả.

Ông Nagy cho hay: "Sự thực là Triều Tiên đã hoàn thiện "chính sách bên miệng hố chiến tranh” và họ hiểu rõ mối quan hệ giữa phô trương sức mạnh tấn công của mình và khả năng khai thác chúng để đạt được những nhượng bộ từ Mỹ, Trung Quốc và các nước khác”.

Hàn Quốc sẽ thành công tới đâu dưới ô bảo hộ của Mỹ?

Mỹ đã từng "ăn không ngon, ngủ không yên" khi phát hiện một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản được biên soạn về “khả năng tự sản xuất vũ khí hạt nhân” hồi năm 2006.

Khi đó, Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa tầm xa và thử nghiệm hạt nhân đã khiến các quan chức ngoại giao Nhật Bản lo ngại về một cuộc khủng hoảng bước đến giai đoạn mới.

Tên lửa đẩy H-2A của Nhật Bản
Tên lửa đẩy H-2A của Nhật Bản

“Quốc gia hạt nhân" Triều Tiên có khả năng tấn công hạt nhân đối với lãnh thổ Mỹ ngày càng tăng. Trong tình hình này, quan chức ngoại giao Nhật Bản bắt đầu lo ngại: Một khi Triều Tiên phát động tấn công hạt nhân đối với Nhật Bản, Mỹ - nhân dân của họ đã đối mặt với mối đe dọa trực tiếp - có thể cung cấp “ô hạt nhân” cho Nhật Bản hay không?

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc hồi tháng 7/2013 cho rằng, có nguồn tin từng cho thấy ông Shinzo Abe sớm đã tiết lộ “thiên cơ”, cho biết, Nhật Bản có thể chế tạo vũ khí hạt nhân trong vòng... một tuần.

Video: Triều Tiên phóng tên lửa Musudan hôm 22/6:

Giáo sư Lưu Giang Vĩnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc cho rằng: "Nhìn vào các phương diện như cơ sở hạt nhân, công nghệ hạt nhân, nguyên liệu hạt nhân, Nhật Bản tiến hành vũ trang hạt nhân không có bất cứ trở ngại nào".

Ông cho biết, Nhật Bản hiện phát điện plutonium, sau khi nguyên liệu hạt nhân được xử lý làm giàu, có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân - khả năng này ngày càng lớn.

Theo học giả Lưu Giang Vĩnh: "Việc có chế tạo vũ khí hạt nhân hay không chủ yếu tùy thuộc vào chính sách chiến lược của Nhật Bản. Chỉ cần Nhật Bản hạ quyết tâm, có thể nói rất nhanh sẽ có thể trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân. Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ có một khoảng cách là chính sách".

Chuyên viên Viktor Pavlyatenko từ Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nhận định: "Trong các tuyên bố chính thức trên trường quốc tế, Nhật Bản đang tích cực tham gia phong trào không phổ biến vũ khí hạt nhân, đưa ra những sáng kiến ​​về giải trừ quân bị. Tuy nhiên, Tokyo nhận thức rõ rằng, ở giai đoạn này khó có thể đạt được bất kỳ kết quả thực tế nào trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân. Vì vậy, trên lời nói Nhật Bản ủng hộ đường lối hòa bình, nhưng trên thực tế vẫn duy trì khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của mình... Nếu một khi vai trò bảo hộ của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản bị mất đi, chắc chắn hai quốc gia này sẽ "trở về con số 0" - điều mà nhà lãnh đạo nào cũng phải tính đến.

Tiêm kích F-15K Eagle của quân đội Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Tiêm kích F-15K Eagle của quân đội Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Quay lại câu chuyện của Hàn Quốc, Chuyên viên Viktor Pavlyatenko nhận định: "Hàn Quốc là đồng minh chiến lược quan trọng thứ hai của Washington trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng có nhiều cuộc tranh luận về quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Ví dụ, kết quả thăm dò dư luận trong năm 2013 cho thấy rằng, 2/3 người dân Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với "mối đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên".

"Trong khi CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí tên lửa hạt nhân và Trung Quốc đang củng cố tiềm lực hạt nhân của mình, chính phủ của Nhật Bản và Hàn Quốc có cái cớ để tuyên bố về quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Như các nhà vật lý hạt nhân thường nói, sẽ xảy ra "phản ứng dây chuyền". Và không ai sẽ nhớ rằng chính sách... của Mỹ ở khu vực này đã kích động Bình Nhưỡng và Bắc Kinh phát triển khả năng hạt nhân của mình như thế nào", ông Pavlyatenko nói.

Tuy vậy, không như Nhật Bản có đầy đủ các tiềm năng, Hàn Quốc có hạn chế hơn nhiều về khả năng tự nghiên cứu nguyên tử.

"Một vài năm trước, Hàn Quốc sản xuất ra 20 gram từ chất thải nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, và cả nước rất tự hào với thành tích này của các nhà khoa học. Họ đã chứng minh rằng, Hàn Quốc có tiềm năng để trở thành một cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, người Mỹ đã áp dụng mọi nỗ lực để các nhà khoa học Hàn Quốc chấm dứt chương trình nghiên cứu hạt nhân", chuyên viên Pavlyatenko tiết lộ.

Chính bởi vậy, chính sách cho việc tự phát triển hạt nhân ở Hàn Quốc có thể còn gặp nhiều trở ngại nhưng chính khả năng nghiên cứu phát triển của Seoul cũng là những chông gai thực sự của đất nước này nếu muốn tự lực cánh sinh đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

Theo Đông Phong

Đất Việt